Trái cây sẵn sàng lên mâm ngũ quả

Chủ Nhật, 10/01/2021, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời điểm này, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường. Sôi động nhất phải kể đến các vùng sản xuất trái cây như: mãng cầu Phước Long Thọ, bưởi da xanh Sông Xoài, đu đủ Bình Giã…

Dự kiến trong dịp tết Tân Sửu, vườn đu đủ của ông Ngô Quốc Chiến (trái) sẽ cung cấp ra thị trường từ 15-20 tấn trái.
Dự kiến trong dịp tết Tân Sửu, vườn đu đủ của ông Ngô Quốc Chiến (phải) sẽ cung cấp ra thị trường từ 15-20 tấn trái.

Mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền ở các gia đình miền Nam thường có những loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với ý nghĩa về một năm mới đầy đủ “cầu-vừa-đủ-xài”. Để phục vụ nhu cầu mua trái cây chưng Tết, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc các loại trái cây này với hy vọng có một mùa thu hoạch bội thu và cái Tết đủ đầy.

Gia đình ông Mai Quốc Khánh (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) có 5.000m2 với 500 gốc mãng cầu. Nhiều năm trở lại đây, ngoài sản xuất vụ chính, ông Khánh đã học được cách xử lý cho cây ra hoa trái vụ để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, ông Khánh đã xử lý cho mãng cầu ra hoa từ tháng 8 âm lịch.

Theo ông Khánh, để cây mãng cầu cho trái trái vụ phải tốn nhiều công sức, trong đó khâu tính toán ngắt lá cây khá quan trọng. Trước tiên, nhà vườn phải loại bỏ những cành khô, cành sâu bệnh và cành vượt. Trên các cành có khả năng cho trái, bấm tỉa ở vị trí có đường kính từ 0,5-1,5cm, khống chế chiều cao, tạo cho cây có bộ tán hình tán dù. Sau đó lặt bỏ những lá còn sót lại trên cành. Sau khi cắt cành tạo tán và tuốt lá cần xiết nước 7-10 ngày giúp phân hóa mầm hoa. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm xử lý cho mãng cầu ra trái nghịch mùa nên vườn nhà ông cho năng suất tốt, trung bình 50-80 trái/cây. Hiện ông Khánh đang tỉa trái, loại bỏ trái sâu bệnh hoặc mẫu mã không đẹp, chỉ để lại khoảng 30 trái/cây. “Mãng cầu vụ Tết năm nay của gia đình tôi dự kiến đạt khoảng 4 tấn trái. Nếu bán được giá 50 ngàn đồng/kg, tôi dự kiến thu lãi khoảng 80 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với chính vụ”, ông Khánh cho hay.

Đu đủ cũng là một trong những loại trái cây được tiêu thụ mạnh vào dịp Tết. Hơn 10 năm trở lại đây, đu đủ dần trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của xã Bình Giã (huyện Châu Đức )với diện tích hàng chục hecta. Những ngày này, các nhà vườn trồng đu đủ tại xã Bình Giã đang hoàn tất công đoạn cuối cùng trong khâu chăm sóc để có những trái đu đủ to, đều, đẹp. 

Ông Mai Quốc Khánh chăm sóc vườn mãng cầu để phục vụ thị trường Tết.
Ông Mai Quốc Khánh chăm sóc vườn mãng cầu để phục vụ thị trường Tết.

Gia đình ông Ngô Quốc Chiến (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã) có 2ha trồng đu đủ. Tuần qua, ông đã huy động nhân lực gia cố, cột dây chằng cho cây không bị ngã đổ. Theo ông Chiến,  đu đủ sẽ được xuất bán từ ngày Tết ông Táo 23 tháng Chạp. Thời điểm này, ông Chiến luôn túc trực tại vườn để tưới nước, bón phân, kiểm tra tình hình sâu bệnh để có được những trái đu đủ to, đều và đẹp mắt. Nhờ trồng theo hướng hữu cơ nên đu đủ nhà ông được nhiều cửa hàng, siêu thị ưa chuộng vì chất lượng trái ngon và mẫu mã đẹp. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Chiến sẽ xuất bán từ 15-20 tấn đu đủ, với gia bán dao động từ 30-50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông ước thu về khoảng 130-150 triệu đồng.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh hơn 12 ngàn ha. Bình quân mỗi tháng, các nhà vườn cung ứng ra thị trường gần 10 ngàn tấn trái cây. Riêng mùa Tết, sản lượng trái cây tăng gấp 2-3 lần, tập trung vào các loại chủ lực là bưởi da xanh, mãng cầu, đu đủ, cam, quýt… Nhờ được giá nên lợi nhuận của nông dân cũng tăng lên đáng kể. 

Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Tại nhiều nhà vườn, thương lái đã bắt đầu đặt mua hàng bán Tết. Với điều kiện thuận lợi như hiện nay, nông dân kỳ vọng giá cả sẽ tốt, đạt lợi nhuận để có cái Tết đầm ấm, sung túc hơn.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.