THÀNH LẬP TRUNG TÂM KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH TẬP TRUNG: Không thể trì hoãn

Thứ Ba, 05/01/2021, 17:19 [GMT+7]
In bài này
.

Lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) hàng năm đạt gần 4,5 triệu TEUs, chiếm 35% sản lượng hàng container thông qua các cảng biển của cả nước. Tuy nhiên, cụm cảng này vẫn chưa có trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung, khiến DN phải tốn thêm nhiều chi phí và thời gian khi xuất, nhập khẩu hàng hóa qua đây. 

Việc thành lập trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành là cần thiết để hoàn thiện hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển.  Trong ảnh: Xếp dỡ hàng XNK tại cảng CMIT.
Việc thành lập trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành là cần thiết để hoàn thiện hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng XNK tại cảng CMIT.

DN “CÕNG” THÊM CHI PHÍ 

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành xúc tiến thành lập trung tâm kiểm tra hàng hóa chuyên ngành (TTKTCN) tại CM-TV. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của DN qua cụm cảng. 

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Bút (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, Công ty chuyên nhập khẩu thịt các loại. Theo quy định, mặt hàng này phải kiểm tra chuyên ngành. Hiện tại, nếu DN làm thủ tục hải quan qua cảng CM-TV thì phải đưa mẫu hàng về TP. Hồ Chí Minh để kiểm dịch. Quy trình này khiến DN phải chờ thêm khoảng 7 ngày. Do hàng phải lưu lại cảng chờ kết quả kiểm tra nên DN tốn thêm chi phí lưu kho từ 100 USD/container/ngày (tùy mặt hàng). “Đây chính là nguyên nhân khiến DN “ngại” làm hàng tại cảng CM-TV mà chuyển về cảng Cát Lái. Nếu có TTKTCN tại cụm cảng CM-TV, DN sẽ rút ngắn thời gian thông quan từ 30-50%, từ đó giúp giảm chi phí không cần thiết. Sức cạnh tranh của cụm cảng CM-TV cũng tăng lên”, ông Phong phân tích. 

Nhiều DN khác cũng cho biết, các mặt hàng như: lúa mì, bắp hạt, phân bón, gỗ, sắt thép, xe ô tô, xe máy… đều thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Thông thường, thời gian kiểm tra mất từ 7-10 ngày kể từ ngày lấy mẫu. Cá biệt, có trường hợp quá hạn 30 ngày mới có kết quả. Do đó, việc xây dựng, đưa vào hoạt động các địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, làm việc ngay tại cảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Tính toán từ các doanh nghiệp XNK cho biết, nếu như có TTKTCN tại BR-VT, DN sẽ rút ngắn thời gian thông quan chỉ còn 3-4 ngày, qua đó, giảm chi phí cho DN.  

Ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept, chủ đầu tư  dự án cảng Gemalink cho biết, cảng Gemalink hiện đã hoàn thành khoảng 96% tiến độ, dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ quý I/2021. “Việc xây dựng TTKTCN là rất cần thiết cho cụm cảng CM-TV nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và giảm chi phí logistics, cũng như tăng năng lực cạnh tranh cho cảng”, ông Long nói.

Cán bộ Cục Thú y vùng 6 thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành tại Cảng TCIT.
Cán bộ Cục Thú y vùng 6 thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành tại Cảng TCIT.

SỚM  ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ

Tại cuộc họp nghe Viện Kinh tế và quản lý TP.Hồ Chí Minh - đơn vị tư vấn báo cáo thực hiện nhiệm vụ lập Đề án thành lập TTKTCNTT tại cụm cảng  CM-TV cuối tháng 11/2020 do UBND tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, TTKTCN là một phần của hệ sinh thái hạ tầng cảng biển. Việc không có TTKTCN là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới việc thu hút nguồn hàng về CM-TV, làm gia tăng chi phí cho hoạt động logistics, tăng thời gian thông quan hàng hóa. Do đó, việc đầu tư xây dựng TTKTCN tại CM-TV là cần thiết và cấp bách. 

Theo ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT, UBND tỉnh đã giao Sở GT-VT chủ trì xây dựng Đề án thành lập TTKTCN tại CM-TV. Theo đó, TTKTCN là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng kiểm tra chuyên ngành tập trung về kiểm dịch động vật, thực vật, chất luợng chuyên ngành đối với hàng hóa XNK tại cụm cảng CM-TV. Dự án có diện tích khoảng 2,5ha, tại góc giao lộ giữa đường 965 và đường quy hoạch D2 (KCN Phú Mỹ 2). 

Dự kiến, dự án sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 và chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng các hạng mục dân dụng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị đáp ứng nhu cầu hoạt động của phòng làm việc. Giai đoạn 2 sẽ căn cứ vào thực trạng hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cảng CM-TV để đầu tư bổ sung trang thiết bị phục vụ cần thiết. Giai đoạn 3 hoàn thiện cơ sở vật chất, bổ sung cán bộ trình độ chuyên sâu đủ khả năng thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Theo đánh giá của Bộ GT-VT, cụm cảng CM-TV đã làm tròn vai trò cảng cửa ngõ trung chuyển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các nhà XNK đã có sự lựa chọn tốt nhất khi CM-TV có trung bình 2 chuyến tàu mẹ/ngày đi Mỹ, với thời gian vận chuyển chỉ mất từ 16-22 ngày. Đây là tần suất tốt nhất tại các cảng trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Đáng tiếc, do chưa có TTKTCN nên cụm cảng CM-TV giảm mất tính hấp dẫn. DN rất mong TTKTCN sớm được xây dựng, đưa vào hoạt động để tăng lượng hàng hóa làm thủ tục hải quan tại CM-TV.
(Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT)

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, TTKTCN là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, tỉnh sẽ đẩy nhanh việc thành lập TTKTCN để tạo điều kiện tốt nhất cho DN và tăng sức cạnh tranh cho cụm cảng. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, tích hợp nhiều cơ quan, nhu cầu, mô hình hoạt động riêng biệt nên cần thận trọng khi triển khai và rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương. Do đó, các sở, ngành và cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá kỹ nhu cầu, khối lượng công việc, cơ sở vật chất cần thiết để thành lập TTKTCN cũng như cân nhắc tính toán bảo đảm khi được thành lập, TTKTCN sẽ hoạt động hiệu quả.  

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.