Sông Thị Vải hồi sinh

Thứ Ba, 12/01/2021, 18:10 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 10 năm trước, sông Thị Vải (thuộc lưu vực sông Đồng Nai) được ví như “dòng sông chết” do chất thải của các nhà máy chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông. Với sự nỗ lực của cả cộng đồng, sông Thị Vải giờ đây đã hồi sinh, nhiều loài thủy sản đã xuất hiện trở lại.

Nước sông bớt ô nhiễm người dân thả bè nuôi thủy sản trên sông Thị Vải.
Nước sông bớt ô nhiễm người dân thả bè nuôi thủy sản trên sông Thị Vải.

CHẤT LƯỢNG NƯỚC ĐƯỢC CẢI THIỆN 

Từ ấp Phước Thạnh, chờ khi con nước lên cao, anh Lê Minh Thắng (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) lấy ghe máy đưa chúng tôi ra sông Thị Vải. Khác xa với hơn 10 năm trước khi chúng tôi đi trên dòng sông này cùng lực lượng chức năng kiểm tra tình trạng xả thải của Công ty Vedan, nay dòng sông Thị Vải đã trong xanh hơn. Trên sông, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những ngư dân kéo rập, thu hoạch cá. Theo lời của anh Thắng, những năm 2005-2008, nước sông Thị Vải đen đặc, bốc mùi hôi thối, khó có sinh vật nào sống được. Hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản đã phải bỏ ghe lên bờ kiếm sống. Tuy nhiên, hơn 5 năm nay, nước sông đã xanh trong trở lại, cá tôm bắt đầu xuất hiện. Nhiều hộ ngư dân đã quay lại thả rập bắt cá tôm. Thu nhập bình quân mỗi ngày được khoảng 500 ngàn đồng.  

Không chỉ đánh bắt, các hộ nuôi trồng thủy sản ven sông Thị Vải cũng cải tạo những đầm tôm bỏ hoang, đầu tư con giống, thức ăn để nuôi trồng. Năm 2015, ông Nguyễn Hải Hoàng từ Cà Mau lên phường Mỹ Xuân thuê đất và đầu tư hơn 350 triệu đồng để cải tạo các đầm và nuôi tôm từ đó đến nay. Vụ thu hoạch năm ngoái, ông Hoàng thu lãi hơn 100 triệu đồng. “Trước đây nước sông ô nhiễm, người ta bỏ không làm nên các đầm tôm bị bể hết. Tôi phải gia cố lại bờ để nuôi tôm. Sông bớt ô nhiễm nên nguồn nước cũng thuận lợi, tôm lớn nhanh”, ông Hoàng nói.

Theo ông Lương Quốc Ái, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Xuân, những năm gần đây, nhiều hộ dân bỏ nghề nuôi trồng thủy sản lên bờ mưu sinh đã quay lại sông để nuôi cá. Đến nay, phường Mỹ Xuân có 58 hộ nuôi trồng thủy sản trên sông Thị Vải (20 hộ nuôi hàu, 38 hộ nuôi tôm, cá) với diện tích khoảng 140ha mặt nước và gần 12 hộ đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ trên sông.

Thông tin từ Sở TN-MT, các nguồn nước thải chính phát thải vào vùng sông Thị Vải trên địa bàn tỉnh BR-VT chủ yếu từ các KCN, CCN; nước thải sinh hoạt tại một số cảng dọc khu vực Thị Vải; nước thải sinh hoạt từ đô thị Phú Mỹ. Tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 59.390m3/ngày, trong đó, nước thải công nghiệp khoảng 41.290m3/ngày và nước thải sinh hoạt khoảng 18.100m3/ngày. Tất cả các nguồn nước thải công nghiệp hiện nay đều được thu gom, xử lý theo quy định. 

Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Hàng năm, Sở TN-MT đều quan trắc hiện trường lấy mẫu phân tích định kỳ nước mặt với tần suất 12 lần/năm tại 12 vị trí trên vùng nước Thị Vải, trong đó có nhiều vị trí quan trọng như: Rạch Mương, rạch Bàn Thạch, cù lao Mỏ Nhát… Kết quả quan trắc nước mặt Thị Vải trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 cho thấy chất lượng nước tại đây đã được cải thiện, cơ bản hồi phục tốt”.

Ngư dân đánh bắt hải sản trên sông.
Ngư dân đánh bắt hải sản trên sông.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ NHIỀU GIẢI PHÁP

Mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nguy cơ tái ô nhiễm sông Thị Vải vẫn luôn tiềm ẩn, đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, DN, người dân nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bảo vệ dòng sông. Theo đó, Sở TN-MT đã đầu tư 46 trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải theo quy định. Dữ liệu quan trắc được truyền về Trung tâm điều hành quan trắc tự động của tỉnh để theo dõi, quản lý. Trong năm 2020, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 32 cơ sở, qua đó đã xử lý 6 cơ sở vi phạm.

Ngoài ra, theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, trên lưu vực vùng nước Thị Vải thuộc địa bàn tỉnh BR-VT có 3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Đến nay, 3 cơ sở này đã hoàn thành xử lý ô nhiễm đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, 8 KCN trong phạm vi lưu vực sông Thị Vải đều đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. “Ngoài ra, việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải đã được triển khai ở cả 8 KCN. 6 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải từ 100m3/ngày trở lên đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và lắp đặt quan trắc tự động, liên tục theo quy định”, ông Hải thông tin thêm.

Sông Thị Vải có chiều dài gần 80km chảy qua địa phận TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và BR-VT. Đoạn chảy qua tỉnh BR-VT có chiều dài khoảng 25km chủ yếu nằm trên địa bàn TX. Phú Mỹ. Sông Thị Vải có chiều rộng trung bình từ 400-650m, độ sâu trung bình khoảng 22m, nơi sâu nhất khoảng 60m, rất thuận lợi cho hoạt động giao thông thủy, xây dựng cảng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Ngoài ra, đây là dòng sông mang nguồn nước mặn, lợ với chế độ bán nhật triều và hệ động thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng nên thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông.

Như vậy, tính đến nay tỉnh BR-VT đã đạt 5/6 chỉ tiêu về môi trường (chỉ tiêu tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải chưa đạt do mới khởi công từ tháng 7/2019, chưa đi vào hoạt động) so với mục tiêu đề ra trong phạm vi “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai”.

Để bảo đảm các nguồn nước thải vào dòng Thị Vải phù hợp với sức chịu tải của vùng nước, ngăn ngừa tái ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thu hút, lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện môi trường, có giải pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt để phù hợp với điều kiện chất lượng môi trường và công tác quản lý của tỉnh. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh phải đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn cột A theo Quy chuẩn Quốc gia. Tiếp tục phối hợp các tỉnh/thành phố trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường vùng giáp ranh...

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.