Khoanh vùng khu vực cấm hoạt động khoáng sản

Thứ Ba, 05/01/2021, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương dự án “Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh BR-VT”. Đây là cơ sở để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững.

Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại và Du lịch Vũng Tàu chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về cấp phép khai thác đá, nhưng vẫn ngang nhiên khai thác rầm rộ tại khu vực mỏ đá Tóc Tiên (ấp 4, khu 2, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).
Công ty TNHH Dịch vụ-Thương mại và Du lịch Vũng Tàu chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về cấp phép khai thác đá, nhưng vẫn ngang nhiên khai thác rầm rộ tại khu vực mỏ đá Tóc Tiên (ấp 4, khu 2, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ).

CÒN NHIỀU VI PHẠM

Hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) không phép, trái phép diễn ra tại BR-VT thời gian qua khá phức tạp. Sự việc gây bức xúc trong dư luận gần đây là Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại và Du lịch Vũng Tàu chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về cấp phép khai thác đá nhưng vẫn khai thác rầm rộ tại khu vực mỏ đá Tóc Tiên (ấp 4, khu 2, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ). Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, nhiều đoàn công tác đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu chấm dứt hoạt động khai thác, khẩn trương hoàn tất các thủ tục có liên quan, ký hợp đồng thuê đất để đưa mỏ vào khai thác theo quy định nhưng công ty vẫn phớt lờ và tiếp tục hoạt động

Tương tự, dự án nạo vét hồ Sông Hỏa (huyện Xuyên Mộc) do Công ty TNHH Dịch vụ - Sản xuất Cát Hà thi công tổ chức khai thác tận thu đất, cát từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2021. Dự án được triển khai trên diện tích 55ha, độ sâu sau khai thác 20m, tổng trữ lượng khoáng sản được phép khai thác tận thu hơn 780 ngàn m3. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty này đã nạo vét ngoài ranh giới dự án từ 50-100m, trên diện tích hàng ngàn mét vuông, tạo thành nhiều hố sâu, dài. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn phát hiện Công ty TNHH Dịch vụ - Sản xuất Cát Hà chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo Sở TN-MT, ngoài các vi phạm về không phép, trái phép, nhiều DN hoạt động KTKS còn vi phạm phổ biến như: khai thác chưa đúng trình tự theo thiết kế hoặc theo nội dung thiết kế được phê duyệt; bản vẽ hiện trạng chưa phù hợp với thực tế mỏ; khai thác vượt công suất; khai thác vượt độ sâu, vượt trữ lượng. Nguyên nhân là do nguồn cung tại các mỏ trong quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mất cân đối cung-cầu thị trường, khiến giá vật liệu xây dựng tăng lên. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động KTKS cao nên các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật, sẵn sàng vi phạm. Phương thức hoạt động của các DN này rất tinh vi, hoạt động vào ban đêm, rạng sáng, ngoài giờ hành chính, cắt cử người cảnh giới, theo dõi để đối phó, trốn tránh hoạt động kiểm tra của lực lượng chức năng. 

Theo báo cáo của Phòng Quản lý khai thác khoáng sản (Sở TN-MT), năm 2020, Sở TN-MT, các ngành chức năng và địa phương đã triển khai 453 buổi kiểm tra hoạt động KTKS. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 52 trường hợp KTKS trái phép (giảm 43 vụ so với năm 2019), tịch thu khoảng 65m3 cát, 3 máy bơm hút cát, 5 xe ô tô, 5 máy đào và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 2,1 tỷ đồng (tăng hơn 1,1 tỷ đồng so với năm 2019).

 

KHOANH ĐỊNH KHU VỰC CẤM

Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thu hồi giấy phép khai thác và yêu cầu các DN đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường ở những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự; thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đóng cửa mỏ. Các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động KTKS phải cắm mốc tại thực địa các điểm khép góc khu vực thăm dò, KTKS theo tọa độ đã ghi trong giấy phép trước khi hoạt động; vật liệu và kích thước mốc điểm góc khu vực khai thác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Đồng thời, để bảo đảm hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản theo hướng bền vững, việc xác định, khoanh vùng khu vực cấm hoạt động khoáng sản là cần thiết và cấp bách. Ngày 13/5/2020 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1204/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề cương dự án “Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh BR-VT”. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT đã phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan thực hiện việc khoanh định các khu vực cấm hoạt động khoáng sản thuộc do các ngành quản lý theo quy định tại Điều 28 Luật Khoáng sản.

Hiện nay 8/9 cơ quan, đơn vị liên quan đã có ý kiến thống nhất về kết quả khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Sở TN-MT đang chờ ý kiến của Bộ CHQS tỉnh để tổng hợp, lập báo cáo thuyết minh quy hoạch và bản đồ khu vực cấm hoạt động khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 trên địa bàn tỉnh. “Khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh BR-VT lần này có sự thay đổi cơ bản là các khu vực quy hoạch xây dựng không nằm trong đối tượng cấm. Do đó, dự kiến diện tích cấm hoạt động khoáng sản sẽ giảm so với  giai đoạn trước”, một cán bộ Sở TN-MT nói.

Cụ thể, các khu vực cấm bao gồm: khu vực đất lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn; đất dành cho mục đích quốc phòng, an ninh; đất do tôn giáo sử dụng; đất thuộc hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, xăng dầu, thông tin liên lạc…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.