HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG

Dịch chuyển tích cực trong lĩnh vực xuất khẩu

Thứ Ba, 19/01/2021, 16:35 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều giải pháp khơi thông thị trường, mở rộng tìm kiếm đối tác, bạn hàng trong bối cảnh chuỗi cung ứng thế giới bị đứt gãy do dịch COVID-19 đã góp phần giúp lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển biến tích cực, tỷ lệ sản phẩm chế biến tăng mạnh.

Chế biến chocolate xuất khẩu tại Công ty TNHH TMDV Thành Đạt.
Chế biến chocolate xuất khẩu tại Công ty TNHH TMDV Thành Đạt.

GHI TÊN NHIỀU SẢN PHẨM MỚI

Ngày 16/12/2020, chuyến hàng gần 2 tấn chocolate với 15 sản phẩm của Công ty TNHH TMDV ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã lên đường sang thị trường Nhật Bản. Đây là những tấn chocolate Organic đầu tiên của BR-VT xuất sang thị trường Nhật Bản theo con đường chính ngạch.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất ca cao Thành Đạt cho biết, năm 2019, Công ty cũng đã có những tấn hạt ca cao xuất khẩu sang Nhật. Không dừng ở đó, công ty đã mạnh dạn sản xuất chocolate và được phía đối tác Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng, tiến tới ký hợp đồng tiêu thụ.

“Hiện nay, công ty chỉ đủ xuất khẩu mỗi năm khoảng 400 tấn hạt ca cao; trong khi, nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Á… rất lớn. Trong năm 2021, công ty sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng ca cao, đồng thời tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu hạt ca cao sang châu Âu, Hà Lan và Mỹ”, ông Thành thông tin thêm.

Không chỉ ca cao, nhiều sản phẩm khác đã được các DN chế biến để “gia nhập” thị trường xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm hồ tiêu do Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Với giống tiêu không hạt, ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây đã tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu Bầu Mây: tiêu tươi muối, tiêu xanh muối và tiêu 1 nắng. Ông Nhâm cho biết, sản phẩm khi qua chế biến sâu có giá trị tăng lên tới gấp 250 lần so với các sản phẩm không chế biến. Nhiều đối tác nước ngoài biết tiếng đã đến thăm vườn hồ tiêu và đặt hàng. Trong đó, một đối tác Nhật đã ký hợp đồng mua các sản phẩm tiêu của HTX Bầu Mây trong 5 năm.

Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TMDV ca cao Thành Đạt (bìa phải) hướng dẫn quy trình trồng ca cao hữu cơ cho bà con nông dân.
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH TMDV ca cao Thành Đạt (bìa phải) hướng dẫn quy trình trồng ca cao hữu cơ cho bà con nông dân.

GIỮ NHỊP TĂNG TRƯỞNG

Thời gian qua, bên cạnh việc khai thác tốt các thị trường truyền thống, các DN trên địa bàn tỉnh đã luôn tích cực phát triển thêm nhiều thị trường mới, từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã có bước tăng trưởng đáng kể, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, qua đó giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn 5 năm 2016-2020 trừ dầu khí đạt hơn 22,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,6%/năm. Thị trường xuất khẩu cũng như quy mô các mặt hàng đạt trên 100 triệu USD được mở rộng, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như thép, cơ khí chế tạo, hải sản chế biến… 

“Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trong đó, đáng chú ý là nhiều mặt hàng nông sản như tiêu, ca cao trước đây chủ yếu chỉ xuất thô nhưng khoảng 2 năm gần đây, nhiều DN đã đầu tư máy móc, nghiên cứu chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: chocolate của Công ty ca cao Thành Đạt, cà phê Nón Lá, tiêu Bầu Mây, hạt điều Thảo Nguyên, Vinh Danh…”, bà Vũ Bích Hảo nói.

Nhận định về xuất khẩu năm 2021, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Năm 2021 các FTA vẫn tiếp tục là lực đẩy cho xuất khẩu bởi hiện nay các FTA Việt Nam đang thực thi và đã có hiệu lực là cơ hội lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi ở Việt Nam, nhất là lĩnh vực thương mại. Không dừng lại ở đó, các FTA còn gắn chặt với quá trình tái cấu trúc, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp sản xuất trong thời gian 5-7 năm trở lại đây, cũng như tác động sau 2 đợt dịch COVID-19.

Ông Lâm Ngọc Nhâm giới thiệu sản phẩm tiêu của công ty  tại hội nghị gắn sao sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ông Lâm Ngọc Nhâm giới thiệu sản phẩm tiêu của công ty tại hội nghị gắn sao sản phẩm OCOP của tỉnh.

Để giúp DN xuất khẩu của tỉnh mở rộng thị trường, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) và Sở KH-CN trong việc hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN của tỉnh nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật, các quy định của pháp luật về cạnh tranh, chống phá giá, chống trợ cấp và tự vệ trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng phó hiệu quả và bảo vệ lợi ích của DN. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nhằm giúp DN tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.