Công nghiệp luôn là trụ cột vững vàng của nền kinh tế

Thứ Năm, 28/01/2021, 22:40 [GMT+7]
In bài này
.

5 năm qua, BR-VT luôn thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc. Công nghiệp duy trì vai trò là trụ cột lớn nhất trong các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đến nay đã hoàn thành 66% tiến độ. Trong ảnh: Cầu cảng xây dựng thuộc bến chuyên dùng Dự án tổ hợp Hóa dầu miền Nam. Ảnh: TRÀ NGÂN
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đến nay đã hoàn thành 66% tiến độ. Trong ảnh: Cầu cảng thuộc bến chuyên dùng Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tiếp nhận tàu vận chuyển trang thiết bị. Ảnh: TRÀ NGÂN

NHIỀU DỰ ÁN CÔNG NGHỆ CAO CÓ SỨC LAN TỎA LỚN

Cũng từ đây, Trung tâm điện lực Long Sơn hình thành, góp phần bảo đảm nguồn cung ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ của Tổ hợp hóa dầu miền Nam mà là của cả vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh BR-VT.Kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi công dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn làm chủ đầu tư vào tháng 2/2018, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành 66% tiến độ. Đây là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin (nguyên liệu cơ sở để sản xuất hóa chất công nghiệp, các loại chất dẻo, nhựa và cao su tổng hợp) lên tới 1,6 triệu tấn/năm và được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Tổ hợp Hóa dầu miền Nam dự kiến đóng góp cho ngân sách nhà nước 60 triệu USD/năm. “Tập đoàn SCG đang nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để khắc phục việc chậm tiến độ, phấn đấu hoàn thành, đưa dự án đi vào vận hành cuối năm 2022 như đã cam kết. SCG cũng đã tính tới các phương án khi dự án đi vào hoạt động trong tương lai, khi đó sẽ có nhiều sản phẩm hóa dầu, kể cả bán sản phẩm phụ trong thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu. Đồng thời, SCG cũng đang xúc tiến phát triển những dự án thành phần, nhất là hợp tác với Tập đoàn Amata phát triển dự án KCN xung quanh dự án chính; tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để góp phần phát triển công nghiệp Việt Nam”, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn SCG, Thái Lan - DN đầu tư vào dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Long Sơn Petrochemicals- LSP) - cho biết tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 3/12/2020.

Sau 3 năm khởi công xây dựng, cuối năm 2020, Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) có công suất 600 tấn/ngày tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, TX. Phú Mỹ đã chính thức đi vào hoạt động. Ông Đỗ Việt Phương, Giám đốc PFG cho biết, Nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng Phú Mỹ có công suất thiết kế 1.500 tấn thủy tinh lỏng/ngày và được đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất 600 tấn/ngày và giai đoạn 2 có công suất 900 tấn/ngày. Sản phẩm của nhà máy đạt Tiêu chuẩn kính siêu trắng JC/T 2001-2009 và Tiêu chuẩn kính nổi EN 572-2:2012. Sản phẩm kính nổi siêu trắng trong suốt có độ thấu quang đạt tới 91,6%, kính xây dựng cao cấp chất lượng cao, độ dày từ 3 - 19mm, phù hợp yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu để làm phôi kính sản xuất kính năng lượng mặt trời, phôi kính để sản xuất kính tiết kiệm năng lượng (kính Low-E, kính Solar Control). Kính siêu trắng ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng không chỉ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng dụng trong kiến trúc các công trình cao cấp, tăng tính thẩm mỹ của các công trình… “PFG cũng đặt ra mục tiêu đứng đầu thị trường nội địa, trở thành số 1 trong khu vực Đông Nam Á và là một sự lựa chọn trong top đầu, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…”, ông Đỗ Việt Phương thông tin thêm.

Trước đó, tháng 3/2020, dự án nhà máy sản xuất hạt nhựa PP của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina (KCN Cái Mép, TX. Phú Mỹ) với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD sau khi khởi động vận hành thử, đến nay đã vào sản xuất ổn định. Ông Park Key Man, Giám đốc Xây dựng Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina cho biết, Hyosung hiện đang sản xuất những sản phẩm gần như đầu tiên có mặt tại Việt Nam như, Ethylene, Propylene, Polypropylene,… với công suất bình quân đạt 300 ngàn tấn sản phẩm hạt nhựa/ năm. Theo kế hoạch, Hyosung sẽ xây dựng một kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng với sức chứa 240.000 tấn tại khu vực Cái Mép và dùng nguồn khí hóa lỏng này để sản xuất polypropylene, ethylene, propylene... Nhà máy thu hút gần 1.000 lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 100 triệu USD/năm.

CƠ CẤU CHUYỂN DỊCH MẠNH MẼ

Thông tin từ Sở Công thương cũng cho thấy, đa phần dự án đầu tư trong 5 năm trở lại đây đều sử dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng và sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Đồng thời có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm công nghiệp. Một số ngành hiện đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trong cả nước như thép, xi măng, đóng tàu... Ngoài ra, tỉnh đã có quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI đề ra, đó là giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến. Theo đó, đến nay tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 87,7% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí. Căn cứ các Nghị quyết, chương trình phát triển công nghiệp, ngành công thương đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển công nghiệp như: Hỗ trợ nâng cao năng lực DN, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; ban hành danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao; trong đó tập trung vào 3 nhóm ngành sản phẩm cơ khí chế tạo, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu.. Với các giải pháp trên, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn. Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên, nhiên liệu cho các dự án công nghiệp chế biến chế tạo. Ngoài ra, một số dự án chế biến như cà phê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón cũng tạo hiệu ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp nhờ thu mua nguyên liệu từ nông dân.

“Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh. Đồng thời tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường’, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 77 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với sản phẩm phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và công nghiệp hỗ trợ. Như vậy, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 805 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; trong đó có 23 dự án công nghiệp chất lượng cao; 77 dự án công nghiệp hỗ trợ. Một số ngành sản xuất sản phẩm đầu vào công nghiệp (thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí) được lựa chọn để trở thành ngành công nghiệp chịu lực phục vụ cho chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại.

PHẠM PHƯƠNG

;
.