Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được ví như cuộc cách mạng, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, làng quê thay da đổi thịt.
Hàng trăm con đường NTM mở ra đã tạo điều kiện giúp người dân đi lại thuận lợi, kinh tế phát triển. Trong ảnh: Con đường NTM tại ấp Vĩnh Bình (xã Bình Giã, huyện Châu Đức). |
NÔNG THÔN KHANG TRANG, SẠCH ĐẸP
Những ngày cận kề Tết cổ truyền dân tộc, tới thăm ấp Vĩnh Bình (xã Bình Giã, huyện Châu Đức), con đường dẫn từ tổ 6 sang tổ 7 của ấp bây giờ được trải bê tông sạch đẹp, hai bên rực rỡ sắc hoa. Hơn 1 năm nay, con đường này luôn phủ màu sắc rực rỡ, ngát hương của các loại hoa. Thế nhưng, ít ai biết được, chỉ chừng vài năm về trước, đây là con đường lầy lội, đi lại khó khăn, người dân muốn bán nông sản phải có xe thồ ra đến đường chính. Ông Hồ Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Bình Giã cho biết: “Trước đây, ấp Vĩnh Bình không có đường thông với xã. Muốn đi qua tổ 6 hay tới trung tâm xã, bà con phải đi đường vòng ra TT. Ngãi Giao, quãng đường khoảng 4-5 cây số nữa. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương đã vận động các hộ có đất nằm trên tuyến đường, hiến đất để khơi thông con đường nối 2 thôn”.
Ông Nguyễn Huy Hoàng (tổ 6, ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã) nhớ lại: “Tôi thấy bà con đi lại khó khăn quá, mùa mưa đường lầy lội, mùa nắng thì bụi bặm. Năm ấy, cùng với sự vào cuộc của địa phương, tôi lén bà nhà đi đăng ký hiến đất làm đường, để bà con có lối đi, làm ăn buôn bán. Từ ngày con đường được mở ra, không chỉ kinh tế của các hộ dọc con đường khấm khá hơn mà tình làng nghĩa xóm cũng ngày một vun đắp, đầm ấm hơn”.
Ông Hoàng là một trong những người tiên phong đi đầu phá dỡ tường rào, cắt dọc diện tích vườn, hiến 600m2, để mở thông con đường nối từ tổ 6, sang tổ 7. Ngoài hiến đường, ông còn huy động bà con góp ngày công để vệ sinh, trồng hoa dọc 2 bên. Trên dọc tuyến đường còn có gia đình ông Lê Quang Đũ là hộ nghèo của địa phương vẫn tình nguyện hiến 200m2 đất. Nhờ đó, hiện con đường đã khang trang hơn, rộng 5,5m, dài hơn 1.500m.
Tại ấp Phú Lộc (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), 12 hộ dân tại địa phương đã tình nguyện hiến hơn 3.600m2 đất trồng tiêu, ước tính trị giá 1,4 tỷ đồng để mở con đường liên thôn rộng 8m, dài hơn 900m nối từ đường số 1 thông sang đường số 4. Ông Trịnh Văn Tiến, trưởng ấp Phú Lộc chia sẻ: “Con đường mở ra, được bê tông hóa, khang trang, sạch đẹp. Đường được lắp đèn chiếu sáng nên bà con rất phấn khởi, an ninh trật tự cũng được bảo đảm hơn, giúp bà con nơi đây ngày càng an tâm”.
Trong 10 năm xây dựng NTM, hàng ngàn con đường, ngõ hẻm đã được hình thành, bê tông hóa, nhựa hóa. Đường mới được mở đã đem lại những cơ hội đổi thay tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội cho người dân khắp các địa phương trong tỉnh.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh huy động được gần 11.940 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đến cuối tháng 12/2020, toàn tỉnh có 38 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã được công nhận xã đạt NTM nâng cao năm 2019. TP. Bà Rịa được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018; 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ được công nhận huyện Đạt chuẩn NTM năm 2019. |
NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM, do đó, trong 10 năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình liên kết giữa sản xuất giữa nông dân và DN được hình thành, từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết, việc triển khai đồng bộ các chính sách để hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt phát triển diện tích trồng các loại cây chủ lực, cây đặc sản có hiệu quả kinh tế, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp của huyện; khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ... Qua đó, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân của người dân tại các xã NTM đạt 54 triệu đồng/người/ năm, các xã NTM nâng cao là 60 triệu đồng/năm/người. Trong giai đoạn tới, vấn đề tổ chức sản xuất nhằm thay đổi cuộc sống và thu nhập của người dân, đưa nông thôn mới thành nơi đáng sống đã được triển khai mạnh tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh BR-VT, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu. Các địa phương cũng đẩy mạnh các giải pháp tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, giúp bà con có điều kiện sống văn minh; khu vực nông thôn có kết cấu hạ tầng tiệm cận với đô thị, kinh tế phát triển.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU