Năm 2021, ngành dầu khí nhận định sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu duy trì ở mức thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm. Do đó, nhiều DN thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã thận trọng khi lên kế hoạch kinh doanh cho năm mới.
Năm 2020, PV GAS đã đạt doanh thu hơn 66 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 10,4 ngàn tỷ đồng. Trong ảnh: Kỹ sư, công nhân PV GAS làm việc trên công trường Nhà máy xử lý khí Dinh Cố - đơn vị trực thuộc PV Gas. |
PHẤN ĐẤU VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH ĐỀ RA
Tại buổi lễ phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2021, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Liên doanh Việt Nga-Vietsovpetro (VSP) cho biết: năm 2021, VSP phấn đấu khai thác gần 3 triệu tấn dầu/condensate, 76,64 triệu m3 khí. Doanh thu bán dầu ở mức 1,08 tỷ USD trên cơ sở giá dầu 45 USD/thùng, nộp ngân sách Nhà nước 519,4 triệu USD, lợi nhuận hai phía 156,9 triệu USD. Để hoàn thành kế hoạch, VSP sẽ tập trung trí tuệ cao hơn nữa, thực hiện các biện pháp địa chất-kỹ thuật, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu, bảo đảm gia tăng sản lượng khai thác. Đồng thời, VSP tiếp tục tăng cường năng lực quản trị, quản lý chặt chẽ dòng tiền, thường xuyên theo dõi giá dầu để kịp thời đưa ra các giải pháp cân đối tài chính; thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí trong sản xuất và điều hành quản lý…
Năm 2021, PVFCCo đặt mục tiêu sản xuất 766 ngàn tấn Urê, 150 ngàn tấn NPK. Trong ảnh: Sản phẩm NPK của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. |
Kết thúc năm 2020, VSP khai thác được 3,42 triệu tấn dầu thô, vượt chỉ tiêu gần 300 ngàn tấn, cung cấp về bờ 1,2 tỉ mét khối khí, doanh thu bán dầu đạt 1,11 tỉ USD, doanh thu từ khí đạt gần 16,5 triệu USD. VSP cũng đã hoàn thành chỉ tiêu khai thác trước 1 tháng so với kế hoạch.
Tại PV Gas, không khí thi đua sản xuất kinh doanh cũng diễn ra sôi nổi ngay từ những ngày đầu năm 2021 nhằm hoàn thành và vượt mức nhiệm vụ kế hoạch của năm. Để làm được điều này, ngoài việc nhận diện khó khăn, thách thức cũng như những cơ hội, PV Gas đã đề ra các giải pháp phù hợp. Trong đó, PV Gas tập trung vào 3 giải pháp: Tái cấu trúc, sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường công tác quản trị DN, nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với thay đổi của thị trường, bảo đảm tính chuyên nghiệp và đạt trình độ quốc tế.
DN cũng xây dựng đề án tổng thể phát triển hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG trên toàn quốc bảo đảm hiệu quả và tối ưu. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển 3 khu vực đầu mối, trung tâm LNG cả nước là BR-VT/Thị Vải, Bình Thuận/Sơn Mỹ, miền Bắc/Hải Phòng bên cạnh các kho vệ tinh, trung chuyển và hệ thống phân phối theo đề án phát triển tổng thể. Ngoài ra, PV Gas cũng đẩy mạnh phát triển thị trường khí theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa hộ tiêu thụ để đảm bảo cho phát triển bền vững; chủ động xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực khí; tập trung công tác xây dựng, xin chấp thuận của cấp có thẩm quyền các chính sách, cơ chế liên quan lĩnh vực khí (chính sách giá khí, cước phí...).
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng PV GAS vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu hơn 66 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 10.400 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đặt ra mục tiêu cho năm 2021 là sản xuất 766 ngàn tấn Urê 150 ngàn tấn NPK… tổng doanh thu 8.331 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 365 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 156 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, PVFCCo đã đề ra và khẩn trương thực hiện các giải pháp đồng bộ trong cả sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm sản lượng ổn định, chất lượng cao, khai thác tốt các lợi thế cạnh tranh vốn có, phát triển các thị trường tiềm năng, đồng thời tiếp tục tiết giảm chi phí mọi mặt.
PHÁT HUY NỘI LỰC
Năm 2021 được dự báo vẫn là năm khó khăn với thị trường dầu khí. Giá dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu tiếp tục diễn biến khó lường và duy trì ở mức thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm. Điều này dẫn đến nguồn thu của PVN bị ảnh hưởng. Các đơn vị thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất và phân phối sản phẩm xăng dầu cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Quỳnh Lâm, năm 2021, VSP sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đó là Lô 09-1 bước vào giai đoạn sản lượng dầu suy giảm nhanh, trữ lượng đã phát hiện và các khu vực tiềm năng còn lại không đủ lớn để chặn đà suy giảm. Lô 09-3/12 có sản lượng và trữ lượng nhỏ. Đa số công trình biển, căn cứ sản xuất, phương tiện, thiết bị đã cũ, xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp, thay thế hoặc dỡ bỏ. Mặt khác, giá dầu không ổn định và khó lường, làm tăng nguy cơ thiếu hụt tài chính cho sản xuất của VSP…
Năm 2020, sản lượng khai thác dầu của PVN đạt 11,47 triệu tấn, vượt 8% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 9,16 tỉ m3; sản xuất xăng dầu 11,87 triệu tấn; sản xuất đạm 1,8 triệu tấn, vượt 15% kế hoạch; sản xuất điện 19,17 tỉ kWh... Với kết quả này, trong khi nhiều tập đoàn, công ty dầu khí quốc tế lâm vào cảnh thua lỗ, thậm chí phá sản, PVN vẫn nộp ngân sách Nhà nước 83 ngàn tỉ đồng, đạt 101% kế hoạch, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước và cân đối ngân sách Nhà nước. |
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị cùng Tập đoàn tập trung thực hiện công tác dự báo thị trường, các vấn đề kinh tế - xã hội trong năm 2021 để đưa ra kịch bản ứng phó và có phương hướng quản trị phù hợp. PVN cùng các đơn vị thành viên tập trung phân tích, đánh giá các giải pháp để tránh và hạn chế đà suy giảm, tìm giải pháp tăng trưởng trở lại; phân tích kỹ việc đầu tư và quản trị danh mục đầu tư; tập trung triển khai ngay nhiệm vụ trong Đề án về ứng phó với chuyển dịch năng lượng. Bên cạnh đó, ông Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm soát liên kết ngang giữa các đơn vị để hình thành chuỗi liên kết vững chắc trong toàn Tập đoàn nhằm phát huy nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời đánh giá chi tiết, tổng thể tài sản, nguồn lực toàn Tập đoàn làm cơ sở để lãnh đạo Tập đoàn xem xét tái phân bổ nguồn lực phù hợp nhằm phát huy giá trị sử dụng, tạo tiền đề cho hoạt động của Tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo.
Bài, ảnh: PHAN HÀ