Cá cơm BR-VT "chắp cánh" thương hiệu nước mắm xứ Quảng

Thứ Năm, 21/01/2021, 19:56 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 30 năm, với nghề sản xuất nước mắm truyền thống, ông Nguyễn Cao Thiên (ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã khẳng định được thương hiệu nước mắm Thiên Lộc tại BR-VT.

Ông Nguyễn Cao Thiên (bìa trái), giới thiệu sản phẩm nước mắm nhỉ Thiên Lộc với ông Bùi Đình Nam, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội Nông dân tỉnh).
Ông Nguyễn Cao Thiên (bìa trái), giới thiệu sản phẩm nước mắm nhỉ Thiên Lộc với ông Bùi Đình Nam, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh (Hội Nông dân tỉnh).

TIẾP NỐI NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA GIA ĐÌNH

Cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống của ông Nguyễn Cao Thiên (ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc), mỗi năm đem về lợi nhuận cho gia đình nửa tỷ đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 20 lao động địa phương. Thương hiệu nước mắm nhỉ Thiên Lộc của gia đình ông Thiên không chỉ nổi tiếng trong tỉnh BR-VT mà còn mở rộng đại lý phân phối ra các tỉnh, thành phố.

Ông Thiên cho biết, năm 1980, ông theo gia đình từ Quảng Nam vào huyện Xuyên Mộc lập nghiệp. Nơi ông Thiên sinh ra là vùng đất nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình). Thời gian đầu, ông Thiên phải đi làm thuê cho các chủ tàu khai thác hải sản, để có tiền phụ giúp gia đình. Trong lúc đi biển, ông Thiên nhận thấy nguồn cá cơm tại vùng biển BR-VT rất dồi dào, nên năm 1990, ông Thiên quyết định gầy dựng lại nghề sản xuất nước mắm của gia đình.

Ông thiên nhớ lại, để có được cơ sở sản xuất nước mắm quy mô như ngày hôm nay, cách đây 30 năm, ông gặp vô vàn khó khăn, đầu tiên là vốn, mặt bằng và quan trọng nhất là sự cạnh tranh trên thị trường. Trong khi nhiều nơi ngày càng cải tiến việc sản xuất nước mắm để làm sao có lợi nhuận cao nhất, thì gia đình ông Thiên vẫn duy trì công thức chế biến truyền thống. “Để làm ra những chai nước mắm nhỉ chất lượng cao không phải dễ, nguyên liệu cá làm mắm phải tươi, cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm ngon, quy trình chế biến phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá cơm tươi vừa đưa lên bờ, được phân loại, rửa sạch, trộn đều với muối sạch theo tỷ lệ 3 cá - 1 muối và cho vào thùng ủ chượp, chèn vật nặng lên làm cho cá chìm xuống. Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, bảo đảm phơi nắng đều. Thường thì cá được muối từ 12-16 tháng có thể rút nước mắm cho vào chai”, ông Thiên chia sẻ bí quyết.

Nước mắm nhỉ Thiên Lộc mang hương vị rất riêng, cùng độ đạm “thực cá” từ 23-25%, thơm lừng mùi cá cơm của gia đình ông Thiên ngày càng được nhiều khách hàng gần xa biết đến. Nhờ vậy, quy mô, sản lượng chế biến của cơ sở ông được mở rộng qua từng năm.

MỞ RỘNG QUY MÔ SẢN XUẤT

Khi sản lượng và chất lượng nước mắm tăng dần, nắm chắc lợi thế trong tay, ông Thiên mạnh dạn đầu tư hơn 4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, thùng chuyên dụng, xây dựng 30 hồ chứa cá, kho xưởng… trên diện tích 4.500m2 để mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2013, ông Thiên thành lập Công ty TNHH Thương mại - Vận tải Thiên Thiên Lộc. Đến năm 2016, nước mắm nhỉ Thiên Lộc được công nhận là sản phẩm “Công nghiệp nông thôn tiêu biểu” của tỉnh BR-VT. 

Đến nay, ông Thiên đã có hơn 15 đại lý phân phối nước mắm nhỉ Thiên Lộc tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Bình Dương, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội…  “Hàng năm, cơ sở của tôi nhập vào hơn 500 tấn cá cơm, bán ra thị trường khoảng 40 triệu lít nước mắm, với giá bán nước mắm nhỉ từ 60-80.000 đồng/lít; nước mắm cốt từ 100-200.000 đồng/lít. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Cũng nhờ sản xuất nước mắm truyền thống mà gia đình tôi thoát cảnh nghèo khó năm nào, nhà cửa cũng được xây dựng khang trang hơn”, ông Thiên cho hay.

Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình ông Thiên có 5 lao động thường xuyên, gần 20 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Được biết, ông Nguyễn Cao Thiên không chỉ là tấm gương vượt khó, làm giàu bằng chính quyết tâm, nghị lực của bản thân, mà ông còn được người dân trong xã hết lòng yêu mến vì sự nhân hậu, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương.

Chia sẻ về những dự định trong năm 2021, ông Thiên cho biết sẽ đầu tư máy đóng chai để giảm chi phí trong sản xuất; sửa sang lại kho xưởng, cơ sở sản xuất để du khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm truyền thống.

Theo ông Bùi Đình Nam, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách (Hội Nông dân tỉnh), Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ ông Thiên xây dựng sản phẩm OCOP theo Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện. Đồng thời, tạo điều kiện để nước mắm Thiên Lộc được tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại… nhằm quảng bá, kết nối cung cầu sản phẩm. 

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.