Mặc dù mới triển khai được 3 năm nhưng mô hình nuôi cá chình hoa tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu hoạch cá chình hoa nuôi trong ao đất tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc của Công ty Việt Tam Nông. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình nuôi cá chình hoa trong bể xi măng với quy mô hiện đại, khép kín của Công ty TNHH Việt Tam Nông tại xã Bông Trang, ông Phạm Trường Giang, quản lý trang trại của Công ty cho biết: Sau 3 năm xây dựng mô hình và thả nuôi, cá chình hoa đã đạt trọng lượng thu hoạch. Thịt cá chình hoa thơm ngon, giàu dinh dưỡng, là loài đặc sản có giá trị kinh tế cao và được ví như “nhân sâm dưới nước”. Tuy nhiên, nuôi cá chình hoa không dễ, bởi thời gian nuôi dài, khó chăm sóc.
Cá chình hoa (tên khoa học là Anguilla marmorata) có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tại Việt Nam, quy trình công nghệ nuôi loài cá này cũng đã được các đơn vị nghiên cứu quan tâm. Các công nghệ chính được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III gồm: Công nghệ ương giống cá chình hoa từ giai đoạn giống cấp I (5g/con) lên giống cấp II (50g/con); công nghệ nuôi thương phẩm cá chình hoa trong ao; công nghệ nuôi thương phẩm cá chình hoa trong bể. Riêng tại xã Bông Trang, Công ty nuôi theo 2 hình thức: trong bể xi măng và nuôi trong ao đất.
Để dự án đạt kết quả, Công ty TNHH Việt Tam Nông đã ưu tiên tập trung giải quyết các vấn đề chính như thiết kế hệ thống ao nuôi cá chình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Khu thả cá rộng 1.200m2, gồm 12 bể, mỗi bể có dung tích 70m3; chất lượng nước trong hệ thống ao nuôi thâm canh cá chình phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật (cá sống hoàn toàn bằng nguồn nước tự nhiên được khai thác từ nước mặt của hồ Sông Hỏa); con giống, thức ăn và chất lượng nước với các yếu tố vật lý, hóa học và thủy sinh vật thuận lợi và luôn ổn định. Với 12 bể nuôi cá chình này, con giống được Công ty TNHH Việt Tam Nông lựa chọn kỹ càng từ nơi cung cấp, đưa về và áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi để mang lại tỷ lệ sống cao. Với lần nuôi thử nghiệm đầu tiên, Công ty TNHH Việt Tam Nông tiến hành nuôi 54.000 con, trong đó công ty đầu tư 48.000 con và được Nhà nước hỗ trợ 6.000 con. Cá lớn sẽ được tách 1 tháng/lần, con nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn… Thời gian đầu, thức ăn chính của cá là bột công nghiệp, khoảng hơn một tháng sau có thể cho ăn cá tạp, tôm tép được cắt nhỏ, phù hợp với trọng lượng của cá.
Theo tính toán cho thấy, sau chu kỳ nuôi từ 20-24 tháng, năng suất đạt khoảng từ 20-22 tấn/ha, tỷ suất lợi nhuận dự kiến có thể đạt 30-40%. Hiện Công ty TNHH Việt Tam Nông đã bắt đầu thu hoạch loại cá đạt trọng lượng 1kg/con. Với giá bán từ 520-550 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, Công ty thu lãi 100 ngàn đồng/con. Cá chình hoa chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch trong địa bàn tỉnh.
“Nguồn giống cá chình hoa hiện nay rất hiếm, giá khá cao, nếu nuôi trong bể sẽ hạn chế tối đa thất thoát, tỷ lệ thành công đạt khoảng 90%. Bên cạnh đó, hình thức nuôi này phù hợp với đặc tính ưa tối của cá chình. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi chi phí đầu tư cao, việc xây dựng hệ thống nước ngầm cần thực hiện bài bản và khoa học”, ông Phạm Trường Giang cho hay.
Năm 2017, Công ty TNHH Việt Tam Nông đã nhận đặt hàng dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi cá chình hoa (Anguilla marmorata) giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao tại tỉnh BR-VT” của Sở KH-CN. Dự án này được Bộ KH-CN hỗ trợ triển khai. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 8 tỷ đồng, trong đó hơn 3,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 4,5 tỷ từ nguồn vốn khác.
|
Ngoài nuôi trong bể xi măng, hiện Công ty cũng đang triển khai nuôi song song trong ao đất trên diện tích 2ha. Với phương pháp này, cá được nuôi hoàn toàn tự nhiên, tuy chi phí đầu tư thấp, song tỉ lệ hao hụt cao hơn.
Nói về tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình nuôi cá chình hoa tại xã Bông Trang, TS. Nguyễn Văn Trai, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng thẩm định dự án nhận xét: Sau thời gian triển khai cho thấy, đây là mô hình góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên mặt nước trong vùng, đặc biệt là tại xã Bông Trang. Đồng thời đa dạng mô hình và loài thủy sản nuôi cho người dân, giúp chuyển đổi cơ cấu trong nuôi trồng, phát triển sinh kế một cách bền vững, tạo tiền đề nhân rộng mô hình tại BR-VT.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU