.

Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

Cập nhật: 20:34, 24/12/2020 (GMT+7)

Đó là ý kiến của các chuyên gia, DN du lịch - lữ hành, hiệp hội du lịch tại tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch bền vững” do Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức ngày 24/12. 

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các DN du lịch-lữ hành đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Lắk, Sóc Trăng và Tây Ninh. 

Các chuyên gia, giới kinh doanh lữ hành cho rằng, thay vì từng tỉnh, thành mạnh ai nấy thu hút khách thì nên ngồi lại cùng nhau hình thành tour liên tỉnh, liên vùng và cùng tiếp thị, quảng bá cho nhau để tăng sức hút cho điểm đến là điều cần kíp trong bối cảnh du lịch chỉ trông chờ khách nội địa hiện nay. 

Bà Phan Yến Ly, đại diện Lữ hành Saigontourist phát biểu tại tọa đàm.
Bà Phan Yến Ly, đại diện Lữ hành Saigontourist phát biểu tại tọa đàm.

HIỆU QUẢ THIẾT THỰC TỪ LIÊN KẾT 

BR-VT nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch. Du lịch được tỉnh xác định là ngành kinh tế trụ cột cần tập trung phát triển. Từ đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư tạo sản phẩm, dịch vụ ngày càng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, BR-VT còn chủ động, tích cực liên kết với các tỉnh, thành để tạo chuỗi sản phẩm đa dạng, độc đáo trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch của từng địa phương trong vùng Đông Nam Bộ. 

Ông Võ Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho rằng, từ khi tái lập Sở Du lịch (năm 2017) đến nay, BR-VT đã tăng cường kết nối với nhiều tỉnh, thành trên cả nước để hình thành nhiều tour liên tuyến như: TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương, chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Nam Bộ”; tour “Tình đất đỏ miền Đông” kết nối các địa danh TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước hay tour lên rừng xuống biển TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - BR-VT… 

Thông qua việc liên kết, nhiều thỏa thuận cung cấp dịch vụ đã được ký kết giữa DN các tỉnh, thành với khối DN du lịch BR-VT. Thống kê năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến BR-VT đạt hơn 15,55 triệu lượt, trong đó có hơn 1 triệu lượt du khách do các thỏa thuận liên kết mang lại, tăng 20% so với năm 2018. Riêng năm 2020, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, sau mỗi đợt dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, BR-VT lại chủ động kích cầu, quảng bá rầm rộ hướng thẳng vào thị trường Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành có liên kết với BR-VT. Nhờ vậy, dù doanh thu và lượng khách giảm khoảng 25% so với cùng kỳ, song so với các tỉnh, thành cùng lợi thế du lịch biển, mức sụt giảm của BR-VT thấp nhất. 

Đoàn famtrip tham quan công viên Binon ca cao.
Đoàn famtrip tham quan công viên Binon ca cao.

DU LỊCH SỨC KHỎE GẮN VỚI BIỂN VÀ RỪNG

Ngoài nhìn nhận lại quá trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước thời gian qua, tọa đàm cũng là dịp để lãnh đạo ngành du lịch BR-VT lắng nghe góp ý từ các chuyên gia, giới kinh doanh du lịch nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch.

Theo bà Phan Yến Ly, đại diện Lữ hành Saigontourist, BR-VT là điểm đến quen thuộc đối với du khách TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ. Trong hơn 300 đường tour Lữ hành Saigontourist khai thác, lượng khách đặt tour đi Côn Đảo, Long Hải, Hồ Tràm chiếm ưu thế, nhất là sau mỗi đợt dịch COVID-19 được kiểm soát trong cộng đồng. Điều này chứng tỏ BR-VT an toàn trong dịch và đáp ứng yêu cầu về khoảng cách địa lý, khí hậu, điều kiện nghỉ dưỡng của du khách gần. 

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của BR-VT là thiếu khu vui chơi, giải trí phức hợp và cần thu hút đầu tư các loại hình sản phẩm du lịch này. “Xu thế của du lịch thế giới hiện nay là điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, gần gũi với thiên nhiên. BR-VT có núi, rừng nguyên sinh chạy thẳng ra biển và nguồn nước khoáng nóng tự nhiên. Điều này rất ít nơi có được. Đây là điều kiện lý tưởng thu hút đầu tư loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với biển và rừng”, bà Phan Yến Ly đề xuất.

Trong khuôn khổ chương trình “Liên kết phát triển du lịch bền vững”, từ ngày 22 đến ngày 24/12, đoàn famtrip gồm đại diện các tỉnh, thành trên và gần 50 DN lữ hành đã khảo sát, trải nghiệm dịch vụ tại các điểm đến: Bảo tàng Vũ khí cổ, công viên Binon Cacao, tiêu Bàu Mây, Vietsovpetro Resort, Hương Phong Hồ Cốc Beach Resort…

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội cũng cho rằng, khí hậu ôn hòa của BR-VT và Đông Nam Bộ rất lý tưởng với du khách các tỉnh, thành phía Bắc. Theo ông Hùng, thời điểm này miền Bắc đang lạnh, trong khi miền Nam mát mẻ, dễ chịu. “Tại sao các tỉnh, thành Đông Nam Bộ không cùng ngồi lại xây dựng tour liên tuyến, liên vùng và quảng bá mạnh đến thị trường phía Bắc để thu hút khách miền Bắc vào miền Nam du lịch trốn rét với giá cả và chi phí hợp lý. Làm được điều này, không chỉ BR-VT lấp khoảng trống ngày thường vắng khách mà các tỉnh, thành lân cận có thế mạnh thương mại, sông nước cũng được hưởng lợi vì miền Bắc là thị trường xa, khách không thể đi về trong ngày mà phải lưu lại dài ngày”, ông Hùng nói. 

Bên cạnh đó, đại diện nhiều DN lữ hành cũng mong muốn BR-VT cần có chính sách giá ưu đãi và ổn định, không phân biệt mùa thấp điểm-cao điểm, ngày thường-lễ cho DN lữ hành. Trong quảng bá hình ảnh, ẩm thực, ngành du lịch địa phương cần tập trung vào chủ đề biển; chủ động cung cấp cho cơ quan xúc tiến du lịch các tỉnh, thành thông tin các lễ hội văn hóa tâm linh như: Lễ giỗ AHLLVT Võ Thị Sáu, Lễ hội Nghinh Ông… sớm để các DN lữ hành khai thác thông tin lồng ghép trong tour chào bán thu hút du khách về BR-VT nhiều hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH HẰNG

 
.
.
.