Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất huy động nhưng nguồn tiền vẫn đổ về dồi dào. Báo cáo của NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết, nguồn vốn cho vay hiện chỉ chiếm 2/3 vốn huy động.
Hiện Agribank có 200 sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Agribank, chi nhánh BR-VT. |
Bước vào tháng cuối cùng của năm, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng giảm sâu và dự báo còn giảm thêm. Tại Vietinbank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng giảm về 3,1%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng 4%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất tại Vietinbank chỉ còn 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài 12-36 tháng, giảm 0,2%/năm so với trước.
BIDV, Agribank cũng điều chỉnh lãi suất về mức tương tự. Tại Agribank, kỳ hạn 12-24 tháng lãi suất ở mức 5,6%/năm, giảm 0,2%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Cũng giảm nhẹ 0,1% so với đầu tháng 11, nhưng lãi suất cao nhất tại Vietcombank có phần nhỉnh hơn, ở mức 5,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng này, lãi suất cao nhất chỉ 4%/năm.
Động thái hạ lãi suất cũng được ghi nhận ở khối ngân hàng cổ phần. Nam Á Bank đồng loạt giảm 0,2% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-11 tháng và 18-28 tháng, về mức 6,2% năm và 6,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn trên 12 tháng tại MB giảm 0,1-0,2%, cao nhất còn 6,4%/năm. Techcombank giảm 0,2-0,4% so với tháng 10/2020. Qua khảo sát các ngân hàng cho thấy, hiện VPBank là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất, ở mức 5,5%/năm, áp dụng cho khoản vốn huy động từ 50 tỷ đồng trở lên.
Riêng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm online - loại hình mà trước đây thường được ngân hàng ưu ái lãi cao nay cũng giảm mạnh, cao nhất hiện chỉ còn khoảng 6,95%/năm.
Theo NHNN, dù mặt bằng lãi suất giảm mạnh, nhưng tăng trưởng huy động vẫn khá cao. Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh BR-VT cho biết: Ước đến cuối năm 2020, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế đạt 158.500 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm vẫn được duy trì ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động, ước đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 10,77% so với đầu năm, chiếm 58,68% tổng nguồn huy động. Trong khi đó, ước đến cuối năm 2020, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế 107.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia ngân hàng cũng nhận định, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào như hiện nay, xu hướng giảm lãi suất khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2021.
Chuyển tiền online là một dịch vụ thế mạnh của BIDV. Trong ảnh: Nhân viên BIDV BR-VT tư vấn cho phụ huynh về giải pháp thu hộ học phí trường học tại quầy. |
Theo NHNN, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 đạt khoảng 10%. Tính đến giữa tháng 11/2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,26%. Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã chú trọng phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ mới. Trong đó, chú trọng, xây dựng địa điểm giao dịch tại các vị trí thuận lợi; có phòng giao dịch ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc. Đồng thời, chú trọng đầu tư công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online tiện dụng, cung cấp cho các đối tượng, phân khúc khách hàng. Hầu hết các dịch vụ đều được tự động hóa, sử dụng công nghệ có tính an toàn, bảo mật cao.
Thông tin từ các ngân hàng cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực của các mảng kinh doanh dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Liệu, Phó Giám đốc Agribank, chi nhánh BR-VT, cho biết: Tính đến đầu tháng 12, lãi thuần từ dịch vụ ngân hàng này 57 tỷ đồng (đạt 95% kế hoạch năm), tăng 5 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Hiện nay, Agribank có hơn 200 sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng như: dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thẻ, E-Banking, thanh toán dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông vận tải… Đặc biệt, Agribank là ngân hàng đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai điểm giao dịch ngân hàng tự động Autobank CDM.
CDM (Cash Deposit Machine) là máy gửi tiền tự động (Autobank) hay còn gọi là ATM đa chức năng, với tính năng như một giao dịch viên tại quầy giao dịch. Với ngân hàng tự động này, người dân có thể sử dụng hầu hết các dịch vụ thanh toán, gồm: chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp ngân sách Nhà nước, sao kê dư nợ thẻ tín dụng, đăng ký SMS banking. Đặc biệt, khách hàng có thể mở tài khoản tiền gửi trực tuyến, gửi tiền mặt tại máy, điều mà trước đây chỉ có thể thực hiện tại quầy giao dịch.
Trong khi đó, tại BIDV Bà Rịa, tính đến đầu tháng 10/2020, thu dịch vụ ròng đạt 19,8 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, BIDV có các dịch vụ thế mạnh như: chuyển tiền trong nước, chuyển tiền quốc tế, chuyển tiền online; thanh toán hóa đơn online; gửi tiết kiệm online…
Việc gia tăng lợi nhuận từ mảng dịch vụ cũng sẽ giúp cho các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay mà vẫn đảm bảo được chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Bài, ảnh: PHAN HÀ