Trong bối cảnh nhiều DN Nhật Bản đang tái cơ cấu chuỗi cung ứng sau những tác động của dịch COVID-19, BR-VT với lợi thế về hạ tầng, môi trường đầu tư và mối quan hệ tốt với các đối tác, các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản nên hứa hẹn sẽ là điểm đến của làn sóng đầu tư mới.
Toàn cảnh KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, nơi tập trung thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. |
ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN
Gây ra vô vàn những thách thức toàn cầu, nhưng đại dịch COVID-19 vẫn có thể mang đến cơ hội để Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng đón nhận thêm các dự án FDI. Ông Hirai Shinji, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: Đến bây giờ, Việt Nam vẫn là quốc gia kiểm soát tốt dịch COVID-19, cũng là nền kinh tế duy nhất ở Đông Nam Á tăng trưởng dương trong năm 2020. Trong khi đó, theo khảo sát, có đến 42% DN Nhật Bản bị xáo trộn về chuỗi cung ứng do những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hầu hết các DN bị ảnh hưởng đang có nhu cầu đa dạng hóa cơ sở sản xuất trên thế giới. Qua khảo sát đánh giá của cộng đồng DN Nhật Bản thì Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn.
Thêm vào đó, khi các trung tâm lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đã trở nên “chật chội” thì theo Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh (JCCH), làn sóng đầu tư Nhật Bản đang chuyển dịch về phía các địa phương lân cận khác. BR-VT vì thế, được coi là “miền đất hứa” thu hút các DN Nhật Bản.
Kiểm tra chất lượng thép tại Công ty TNHH Thép Vina Kyoei, một trong những DN Nhật Bản đầu tiên đi vào hoạt động tại BR-VT. |
Cũng cần nói thêm rằng, trong thời gian qua, tỉnh BR-VT đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư Nhật Bản và thiết lập mối quan hệ với các đối tác, tổ chức phi chính phủ đến từ xứ sở hoa anh đào. Cộng đồng DN Nhật Bản từng kinh doanh, đầu tư tại BR-VT cũng đã không ngừng lớn mạnh. Đơn cử như tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) hiện có tới 12 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản (trong số hơn 20 nhà đầu tư thứ cấp tại KCN này). Trong đó, có 6 dự án của các DN Nhật Bản đã đi vào hoạt động: Công ty TNHH Nitori BR-VT, Trung tâm Logistics Phú Mỹ 3; Công ty CP Gas Việt Nhật, Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard &Packaging, Công ty TNHH Việt Nhật Shirogane Logistics và Công ty năng lượng Sojitz Osaka Gas.
Ngoài KCN Phú Mỹ 3, tháng 8/2020, Công ty Hanacans (HAC) DN thuộc Tập đoàn Showa Denko đến từ Nhật Bản đã đưa vào hoạt động nhà máy mới tại KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ, với công suất thiết kế lên tới 1,3 tỷ vỏ lon nhôm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 64 triệu USD. Nhà máy tạo việc làm cho 120 lao động tại địa phương. Đại diện HAC cho biết với việc đưa nhà máy sản xuất vỏ lon vào hoạt động, HAC đã hoàn thành việc thiết lập hệ thống sản xuất phủ khắp Việt Nam với công suất thiết kế khoảng 3,3 tỷ lon/năm.
Sản xuất đồ nội thất tại Công ty TNHH Nitori - một trong những DN Nhật Bản tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. |
TẠO THUẬN LỢI TỐT NHẤT CHO NHÀ ĐẦU TƯ
Theo JCCH, hiện nhiều DN Nhật Bản đang có ý định đầu tư vào BR-VT bởi đây là địa phương gần các cảng biển nước sâu, KCN hoàn chỉnh và gần với TP.Hồ Chí Minh... Việc các Tập đoàn, DN lớn của Nhật Bản không ngừng đầu tư và làm ăn hiệu quả tại BR-VT cũng phần nào đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Ông Isawa Hyroyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết, BR-VT là nơi có ngành công nghiệp phát triển nên rất thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư của tỉnh tương đối thông thoáng. Những năm gần đây, DN Nhật Bản rất quan tâm đến BR-VT và nhiều DN nghiệp nhỏ đã đến tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tại buổi làm việc với JCCH đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, BR-VT luôn xác định Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược. Do đó, tỉnh đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào BR-VT. Tỉnh cũng luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Nhật Bản đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Tính đến tháng 11/2020, tại BR-VT có 40 dự án đầu tư Nhật Bản với tổng vốn khoảng 3,2 tỷ USD (đứng thứ 5 trong các quốc gia có vốn đầu tư lớn tại tỉnh). Trong đó có 22 dự án đầu tư Nhật Bản đã đi vào hoạt động. Các dự án với số vốn đầu tư từ Nhật Bản vào các KCN đã góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường, tập trung chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: thép, khí gas, tái chế nhôm, bột nhôm; sản xuất giấy, nhựa, đồ gỗ, đồ nội thất và ngoại thất. Nhiều tập đoàn và các công ty có thương hiệu lớn đã chọn BR-VT là địa điểm đầu tư như: Vinakyoei, Nippon, Asahi, Mitsubishi, Daichi, Sojitz, Sumitomo, Marubeni, Nitori…
|
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN