Dù “bóng ma” COVID-19 chưa lướt qua hẳn, khó khăn còn bủa vây cả về thị trường lẫn nguyên liệu, tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất đang được bảo đảm tốt ở Việt Nam, các DN vẫn mạnh dạn tăng vốn, mở rộng sản xuất, đón đầu sự phục hồi và tăng trưởng trong tương lai.
Sản xuất bia tại Nhà máy Bia Heineken - Vũng Tàu. |
NHIỀU TÍN HIỆU TÍCH CỰC
O.N Vina (KCN Đất Đỏ I, huyện Đất Đỏ) là DN chuyên sản xuất linh kiện điện tử, cấu kiện máy công nghiệp tự động hóa. Một trong những đối tác lớn của O.N Vina là Tập đoàn Samsung. Ngoài ra, các sản phẩm của O.N Vina còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ông Kim Byoungdon, Giám đốc Nhà máy O.N Vina, cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng trên diện rộng ở các nước trên thế giới, tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh, mang đến môi trường tương đối ổn định cho DN hoạt động. Trong điều kiện đó, cùng với thực tế phát triển, O.N Vina đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 2 triệu USD lên 8 triệu USD ngay trong năm 2020. Số vốn tăng thêm được O.N Vina tập trung vào đầu tư máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất các sản phẩm bằng plastic dùng trong công nghiệp điện tử và tự động hóa. Với số vốn tăng thêm trong năm 2020, O.N Vina bảo đảm cung cấp cho các đối tác mỗi năm 882 tấn sản phẩm.
Sản xuất các sản phẩm điện tử tại Nhà máy O.N Vina tại KCN Đất Đỏ I. |
Trong lĩnh vực kinh doanh bia, năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát đã giáng đòn mạnh vào thị trường. Vì thế, mọi DN sản xuất bia phải cân nhắc rất cẩn trọng về chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, cũng từ việc Việt Nam thành công trong ngăn chặn dịch COVID-19, thị trường trong nước vẫn giữ sự ổn định tương đối. Một số DN, nhà máy sản xuất bia tiếp tục đà phát triển không ngừng. Chẳng hạn, tại Nhà máy Bia Heineken - Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ), doanh thu năm 2020 ước tăng 150% so với năm 2019.
Tin tưởng vào triển vọng phát triển trong năm 2021 và các năm tiếp theo, vừa qua Nhà máy Bia Heineken - Vũng Tàu đã tăng vốn thêm 68,8 triệu USD, nâng tổng đầu tư của hãng tại địa phương này lên thành 381,3 triệu USD. Với việc tăng vốn này, DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để nâng công suất nhà máy lên đạt 1.100 tỷ lít/năm, tức tăng thêm 490 triệu lít/năm. Trong đó, công suất sản xuất bia sẽ là 1.075 tỷ lít/năm và công suất sản xuất nước trái cây lên men là 25 triệu lít/năm. Với việc tăng vốn, mở rộng sản xuất để tăng công suất, mục tiêu mà Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu đặt ra là sẽ trở thành một trong những nhà máy bia lớn nhất của Heineken tại Việt Nam. Đồng thời trở thành nhà máy bia phát triển bền vững nhất Việt Nam, vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo (nhiệt năng và điện năng).
Cũng trong năm 2020, Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam đã được Tập đoàn SCG (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn với mức tăng “khủng”, từ 1,386 tỷ USD lên 5,4 tỷ USD. Cùng với việc tăng vốn đầu tư, Tập đoàn SCG cũng đã cam kết đưa dự án vận hành vào cuối năm 2022. Theo Chủ tịch SCG Roongrote Rangsiyopash đến nay, dự án đã hoàn thành 62% tiến độ. Đồng thời, SCG cũng đang xúc tiến phát triển những dự án thành phần, nhất là hợp tác với Tập đoàn Amata phát triển dự án KCN chung quanh dự án chính; tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng để cùng phối hợp kể cả khi dự án đi vào hoạt động.
CƠ HỘI THU HÚT VỐN MỚI
Theo các chuyên gia, việc các nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn, mở rộng sản xuất cho thấy niềm tin của họ vào môi trường đầu tư - kinh doanh ở BR-VT nói riêng, Việt Nam nói chung, bất chấp những nguy cơ về COVID-19 là chưa thể loại trừ.
Ông Son Chaeik, Giám đốc Công ty TNHH SBSambo Vina, (KCN Châu Đức, huyện Châu Đức) cho rằng, khả năng phục hồi xuất sắc và công tác ứng phó rất hiệu quả của Việt Nam đối với dịch COVID-19 đã tạo niềm tin cho các DN. Các nhà máy bắt đầu có đơn hàng trở lại, lao động cũng sẵn sàng làm việc để đáp ứng đơn hàng mới. “Chặng đường tới sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức riêng, nhưng chúng tôi nhận thấy cần phải đầu tư thêm để nắm bắt những cơ hội trong tương lai. Bởi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đã có những tác động lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu. Việc tăng vốn đầu tư sẽ giúp DN đầu tư công nghệ mới và gia tăng hiệu quả hoạt động để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong tương lai”, ông Son Chaeik nói thêm.
Thông tin từ Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết, tính đến ngày 15/12, tại các KCN đã có 32 dự án tăng tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm 1.829 tỷ đồng và 308,95 triệu USD. Trong đó, có nhiều DN có nguồn vốn tăng thêm khá lớn để mở rộng sản xuất như: Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken tăng thêm 68,8 triệu USD; Công ty TNHH đầu tư công nghệ mới An An Việt Nam (KCN Đất Đỏ I) tăng thêm 11,3 triệu USD; Nhà máy O.N Vina (KCN Đất Đỏ I) tăng thêm 6 triệu USD; Nhà máy sản xuất hạt nhựa của Công ty TNHH Polystyrene Việt Nam (KCN Đông Xuyên) đăng ký tăng thêm 5 triệu USD; Dự án Công ty TNHH SBSambo Vina (KCN Châu Đức) đăng ký tăng thêm 4,58 triệu USD; Nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất kẽm thỏi và ốc vít chất lượng cao (KCN Mỹ Xuân A2) tăng thêm 5 triệu USD… |
Bên cạnh đó, việc các dự án tăng vốn được xem là điểm sáng hiếm hoi về thu hút nguồn vốn ngoại trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện nay. Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN nhìn rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu của mình và tìm ra hướng đi mới phù hợp. Một số DN đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường để mở rộng lĩnh vực đầu tư, tạo sức bật ngay sau khi hết dịch.
Dự báo, trong năm tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên ngoài việc phòng, chống dịch hiệu quả, ở góc độ quản lý Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho các DN, hiện tỉnh đang thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng lấy DN làm đối tượng ưu tiên phục vụ.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN