Bất ngờ lớn từ cảng biển

Thứ Hai, 14/12/2020, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2020, hoạt động hàng hải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) vẫn tăng trưởng ở mức 2 con số. Đây là kết quả bất ngờ, nằm ngoài dự đoán của các DN kinh doanh cảng biển.

Toàn cảnh Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT).
Toàn cảnh Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT).

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Những ngày cuối năm, tàu tấp nập vào làm hàng tại các cảng: Quốc tế Cái Mép (CMIT), Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT), Tân Cảng Cái Mép (TCCT)… Thông tin từ các DN cho biết, 3 tháng cuối năm, hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng mạnh, đặc biệt, mặt hàng đồ gỗ nội thất tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp các loại mặt hàng đồ gỗ nội thất. Theo đó, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, dẫn đến việc các DN Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhằm bù đắp một phần thiếu hụt nguồn cung từ thị thường Trung Quốc. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho rằng, dịch COVID-19 khiến người dân Mỹ ở trong nhà nhiều hơn và họ có nhu cầu sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc mới thay thế với thói quen tiêu dùng đồng bộ.

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, dự kiến năm 2020, CM-TV sẽ đạt khoảng 7,2 triệu TEUs, trong đó có hơn 4 triệu TEUs hàng hóa xuất khẩu và 3,2 triệu TEUs trung chuyển nội địa. Như vậy, cho đến thời điểm này, CM-TV đã đạt và vượt công suất thiết kế (6,8 triệu TEUs/năm).

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng CMIT phấn khởi cho biết, dự kiến CMIT kết thúc năm 2020 với sản lượng 1 triệu TEUs hàng hóa từ tàu mẹ và 1,8 triệu TEUs từ hàng sà lan, tăng 10% so với năm 2019. Trong tháng 10 và 11, sản lượng hàng container qua cảng CMIT đã tăng kỷ lục từ 175-190 ngàn TEUs/tháng, tăng 32% so với cùng kỳ và là mức tăng mạnh nhất từ trước tới nay. “Khi dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi nhận định ảnh hưởng của dịch là khốc liệt đối với ngành hàng hải. Nhưng thực tế, từ giữa năm trở lại đây, sản lượng hàng hóa qua CMIT nói riêng và CM-TV nói chung tăng trưởng ở mức độ không ngờ. Đây là điều may mắn nhưng cũng là kết quả của quá trình dịch chuyển đầu tư từ các nước khác sang Việt Nam, trong đó có BR-VT từ 1-2 năm trước”, ông Kỳ nói.

Không chỉ CMIT mà cụm cảng CM-TV cũng gặt hái những kết quả ngoài mong đợi. Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng hàng xuất nhập khẩu (XNK) qua cụm cảng này tăng mạnh, đạt hơn 4,42 triệu TEUs hàng container từ tàu mẹ, tăng 26% so với năm 2019. Một số cảng còn nhiều dư địa để phát triển như: TCCT, TCTT, SSIT… cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, TCTT kết thúc năm 2020 với sản lượng hơn 1.047 triệu TEUs, tăng khoảng 68% so với năm 2019. Tương tự, Cảng TCCT dự kiến tổng doanh thu năm 2020 là 528 tỷ đồng, vượt 23 tỷ đồng so với kế hoạch.

CẦN NHỮNG “CÚ HÍCH” MẠNH MẼ

Tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 214,121 DWT của hãng Maersk Line có sức chở lên đến 20.000 TEUs cập cảng CMIT.
Tàu mẹ Margrethe Maersk trọng tải 214,121 DWT của hãng Maersk Line có sức chở lên đến 20.000 TEUs cập cảng CMIT.

Năm 2020 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của hệ thống cảng CM-TV cũng như sự chuyển dịch hàng hóa ra các cảng nước sâu. Các chuyên gia cảng biển dự báo, CM-TV sẽ còn bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2021. Đồng thời, với đà xuất khẩu sang Mỹ tiếp tục duy trì, CM-TV có khả năng sẽ vượt qua cảng Hải Phòng, vươn lên đứng vị trí thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết, CM-TV hiện có 30 chuyến tàu mẹ cập cảng hàng tuần. Hàng hóa đi bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ chưa bao giờ thuận lợi như vậy. Ngoài ra, cả 3 liên minh hãng tàu lớn là Ocean Alliance, THE Alliance, 2M Alliance đều có tuyến dịch vụ qua CM-TV, giúp rút ngắn thời gian đi bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ từ 3-5 ngày (chỉ còn 17 ngày). “Với sản lượng đạt 4,42 triệu TEUs trong năm 2020, hàng container tại khu vực cảng CM-TV chiếm 35% lượng container XNK cả nước. Điều đó thấy CM-TV không chỉ quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà là của cả nước”, ông Lê Quang Minh khẳng định.

Kết quả đạt được là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển cho rằng, CM-TV còn thiếu nhiều điều kiện để thu hút được hàng trung chuyển quốc tế. “Để CM-TV có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai, cần tầm nhìn dài hạn với những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt phải coi CM-TV là một khu cảng quốc gia, cần tập trung nguồn lực đầu tư và tạo cơ chế thông thoáng”, ông Phạm Anh Tuấn nói. Theo ông Tuấn, cụm cảng CM-TV cần 2 “cú hích” lớn, đó là xây dựng tuyến giao thông kết nối cảng và dịch vụ hậu cần cảng. Trong đó, các bên liên quan cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.

Năm 2020 ước tổng khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển (tàu biển và sà lan) trên địa bàn tỉnh đạt 107,6 triệu tấn. Khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển bằng tàu biển dự kiến đạt 76 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó, hàng container xếp dỡ qua cảng bằng tàu biển dự kiến đạt 32,2 triệu tấn tăng 10%. Khối lượng hàng rời đạt 33,6 triệu tấn tăng 7%.
(Nguồn: Sở GT-VT)

Về vấn đề này, một chuyên gia ngành GT-VT cho rằng năm 2021, tỉnh BR-VT cần bố trí 2.000 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện dự án đường nội vùng 991B, phục vụ cho sự phát triển của cảng biển Nhóm 5 nói chung và khu vực CM-TV nói riêng.

Bên cạnh đó, dịch vụ kho bãi, hậu cần cảng chưa phát triển mạnh tại CM-TV là do chí phí đầu tư thành lập mới còn cao. Do đó, địa phương có thể xem xét, đề xuất Trung ương cho phép áp dụng mức ưu đãi đầu tư vượt khung về tiền thuê đất, thuê mặt nước và các loại thuế giống như ưu đãi đầu tư tại các KCN trong một khoảng thời gian nhất định để thu hút các loại hình DN tham gia.

Cảng TCCT đã tiếp nhận và xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường siêu trọng  của Công ty Hyosung.

Cảng TCCT đã tiếp nhận và xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường siêu trọng của Công ty Hyosung.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

;
.
.