Vững vàng tìm nguồn năng lượng giữa biển khơi

Thứ Năm, 26/11/2020, 18:25 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 59 năm hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng như tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Các hạng mục giàn BK21 do nhà thầu trong nước thi công có tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Các hạng mục giàn BK21 do nhà thầu trong nước thi công có tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.

LÀM CHỦ CÔNG NGHỆ

Sau 2 năm thăm dò, thông tin chính thức từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây cho biết, đã có kết quả nguồn dầu khí mới tại giếng khoan thuộc lô 114 Kèn Bầu, nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc bể Sông Hồng. Kết quả này được kỳ vọng đem lại nguồn dự trữ lớn về dầu khí trong giai đoạn tới, góp phần quan trọng vào sự phát triển của PVN cho hàng chục năm tới. Chỉ riêng nguồn khí sẽ tăng gấp đôi so với sản lượng khoảng 10 tỷ m3 đang được khai thác mỗi năm hiện nay. Như vậy sau 59 năm, PVN đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí đến phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.

Bước tiến lớn nhất của ngành trong 59 năm qua là việc khẳng định làm chủ công nghệ, trong đó, việc chế tạo thành công các giàn khoan tự nâng trong nước đã đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới (khoảng 10 nước) có khả năng tự thiết kế chi tiết, chế tạo, chạy thử giàn khoan tự nâng hoạt động ở vùng biển sâu, khí hậu khắc nghiệt. Có thể kể đến công trình nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước Tam Đảo 03 và Tam Đảo 05 của Công ty CP Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard).  Các giàn khoan này lần lượt được đưa vào hoạt động năm 2012 và 2016. Đây là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 35%.

Sau thành công giàn khoan Tam Đảo, đã có thêm nhiều công trình phục vụ cho việc khai thác dầu khí được đội ngũ kỹ sư trong nước thực hiện với tỷ lệ nội địa hóa cao. Gần đây nhất, đầu tháng 9/2020, Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro đã hạ thủy khối thượng tầng giàn đầu giếng BK-21. Khối thượng tầng (topside) này nặng gần 900 tấn, do Xí nghiệp Xây lắp, khảo sát và sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (thuộc Liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro) và các nhà thầu trong nước thi công.

Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ dầu khí Biển Đông, một nhà thầu khối thượng tầng cho biết, các hạng mục do công ty này thi công như: nội thất và hệ thống điều hòa thông gió cho tất cả các phòng của khối thượng tầng có tỷ lệ nội địa hóa 50%. Tất cả hạng mục được nội địa hóa, có tỷ lệ nội địa hóa cao đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giàn BK-21 có công suất khai thác 500 tấn dầu thô/ngày. Đầu tháng 10 vừa qua,  giàn BK-21 đã đón dòng dầu đầu tiên. 

Như vậy, sau hơn 30 năm kể từ ngày Vietsovpetro phải di chuyển chân đế giàn khoan từ Baku (Azerbaijan) sang lắp đặt ngoài khơi BR-VT để phục vụ việc thăm dò, khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ, đến nay ngành dầu khí đã tự chế tạo, lắp đặt, vận hành các giàn khoan thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh đó, những sản phẩm cơ khí dầu khí còn được xuất khẩu ra thế giới, góp phần tăng thu ngoại tệ cho đất nước.

TRỤ CỘT CỦA NỀN KINH TẾ

Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, PVN được đánh giá là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm của PVN là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm... đóng vai trò chủ lực với tỷ trọng lớn. Mỗi năm, nộp ngân sách của PVN chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách Trung ương. Cùng với đó, PVN đã đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm từ 10 - 13%.

Năm 2020, mặc dù chịu áp lực khủng hoảng “kép” do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu nhưng PVN vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế. Tính đến đầu tháng 11/2020, sản lượng quy dầu đạt 17,32 triệu tấn, vượt 2,3% kế hoạch; doanh thu đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; nộp ngân sách Nhà nước 58,3 nghìn tỷ, đạt 86% kế hoạch; sản lượng sản xuất phân bón duy trì ở mức cao, vượt 11,9% kế hoạch.

Năm 2020, PVN là một trong số ít các DN dầu khí trên thế giới ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tích cực, không thua lỗ trong bối cảnh thị trường dầu khí toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Cuối tháng 10 vừa qua, tại lễ công bố Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, do Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo điện tử Vietnamnet tổ chức, PVN tiếp tục đứng ở vị trí dẫn đầu.

Bài, ảnh: PHAN THU

 
;
.