Quá ít tuyến vận tải nội Á qua Cái Mép - Thị Vải: Thiệt đơn, thiệt kép

Thứ Tư, 04/11/2020, 22:39 [GMT+7]
In bài này
.

Theo các DN xuất nhập khẩu (XNK), một trong những điều đáng tiếc đối với hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) là còn quá ít tuyến vận tải nội Á. Rất nhiều DN trong phạm vi “chân hàng” của Cái Mép - Thị Vải có nhu cầu xuất nhập trong tuyến này đang phải vận chuyển hàng hóa lên cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh).

Hiện CM-TV có 30 tuyến tàu nhưng chỉ có 7 tuyến tàu nội Á. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng XNK tại cảng CMIT.
Xếp dỡ hàng hóa XNK tại cảng CMIT.
DOANH NGHIỆP TẠI BR - VT RẤT THIỆT THÒI

Là một DN chuyên về sản xuất đồ nội thất, nguyên liệu đầu vào của Công ty TNHH Nitori BR-VT (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, TX. Phú Mỹ) phần lớn nhập từ các nước châu Á. Các sản phẩm nội thất sau đó xuất khẩu sang Nhật Bản. Dù DN đóng chân gần ngay cụm cảng CM-TV nhưng phần lớn hàng XNK đều phải thông quan tại cảng Cát Lái. Ông Suzuki Tadashi, đại diện Tập đoàn Nitori cho biết: “Chúng tôi rất muốn 100% hàng XNK sẽ được làm thủ tục tại CM-TV, tuy nhiên, do tần suất các tuyến tàu nội Á cập CM-TV quá ít nên buộc phải chở hàng lên cảng Cát Lái. Điều này khiến chi phí tăng mạnh”.

Theo tính toán của các DN, việc đưa hàng lên cảng Cát Lái để XNK khiến DN phải tốn thêm hơn 4 triệu đồng/container nếu như đi đường bộ, hơn 2 triệu đồng/container nếu đi bằng đường thủy (sà lan). Đại diện Nhà máy Giấy bao bì Kraft of Asia (KOA), đóng tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 của Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) cho biết, khi Nhà máy hoạt động hết công suất thiết kế thì lượng hàng XNK của Nhà máy lên tới 40 ngàn container/năm. Trong khi đó, hiện nay chỉ 1% hàng XNK của Nhà máy được làm thủ tục tại CM-TV, còn lại phải lên cảng Cát Lái. Nếu tất cả hàng hóa XNK đi châu Á đều làm hàng tại CM-TV thì DN này sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn hàng năm.

Trong khi đó, bà Phan Thị Minh Hương, Trưởng Phòng XNK Công ty TNHH SanFang Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, TX. Phú Mỹ)  cho biết, do lượng hàng của các DN tập trung tại Cát Lái quá nhiều nên thời gian thực hiện thủ tục XNK thường kéo dài, làm tăng chi phí lưu kho bãi. Chưa kể, các tàu nội địa châu Á lại phải qua các cảng trung chuyển tại Singapore, Hongkong khiến chi phí “đội” thêm gần 200 USD/container.

Hiện CM-TV có 30 tuyến tàu nhưng chỉ có 7 tuyến tàu nội Á.  Trong ảnh: Tàu Evergareen trọng tải 130 ngàn tấn đang hành hải vào cập cảng TCIT.
Hiện CM-TV có 30 tuyến tàu nhưng chỉ có 7 tuyến tàu nội Á. Trong ảnh: Tàu Evergareen trọng tải 130 ngàn tấn đang hành hải vào cập cảng TCIT.

NGUỒN HÀNG CHƯA ĐỦ

BR-VT hiện có hơn 60% hàng nhập khẩu và 80% hàng xuất khẩu thuộc khu vực nội Á. Trong số  30 tuyến tàu cập tại CM-TV chỉ có 7 tuyến nội Á. Thực tế này cho thấy, số tuyến tàu nội Á tại CM-TV quá ít so với cảng Cát Lái (hiện đang là 83 tuyến). 

Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN cho biết, theo thống kê, các DN trong tỉnh xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn/năm và nhập khẩu 2,3 triệu tấn/năm và chủ yếu là XNK tuyến nội Á với tỷ trọng hàng nhập khẩu chiếm 85%, xuất khẩu chiếm 60%. Tuy nhiên, hàng hóa XNK thị trường nội Á qua hệ thống cảng CM-TV chỉ đạt khoảng 3-4%/năm.

Vì sao các hãng tàu vẫn chưa tăng chuyến nội Á qua CM-TV? Ông Văn Nhật Tùng, Giám đốc Marketing  Công ty CP CMA-CMG Việt Nam - một hãng tàu có thị phần lớn thứ 2 tại thị trường Việt Nam lý giải: “Trên thực tế, lượng container hàng hóa XNK của các DN ở BR-VT còn ít. Hầu hết các nhà sản xuất có nhu cầu lớn về XNK hàng hóa đều nằm tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, mà chi phí vận tải từ các địa phương này về BR-VT khá cao. Trong tương lai, nếu nguồn hàng tại BR-VT đủ thì các hãng tàu sẽ tính toán đến việc cập cảng CM-TV”.
Kết nối giao thông sẽ là mấu chốt tháo gỡ khó khăn về nguồn hàng
Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, năm 2021 tỉnh sẽ triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trước mắt sẽ xây dựng từ Biên Hòa đến Phú Mỹ và cảng CM-TV liên kết với các tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành. Cùng đó là dự án cầu Phước An, dự kiến sẽ xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Tiếp theo là đầu tư các tuyến đường vành đai 4 chạy qua TP.Hồ Chí Minh - BR-VT - Đồng Nai - Bình Dương -Tây Ninh - Long An. “Khi giao thông kết nối, nguồn hàng về cảng CM-TV chắc chắn sẽ thuận tiện hơn”, ông Lương Anh Tuấn khẳng định.

CÁC CẢNG PHẢI SẴN SÀNG CHO TƯƠNG LAI

Theo thống kê tại khu vực CM-TV, tàu nội Á tập trung chủ yếu ở 3 hãng tàu MSC, WHL và One. Để tăng chuyến tàu nội Á, thời gian qua, một số cảng đã triển khai các giải pháp tạm thời. Chẳng hạn, Tân Cảng Sài Gòn đang kết hợp hàng hai chiều, cụ thể là kết hợp hàng chuyển cảng và hàng dịch vụ; kết nối khu vực cảng CM-TV với các khách hàng ở Long Bình (Đồng Nai); Thành Phước (Bình Dương) bằng đường thủy. Từ đó, hãng tàu One đã đưa tuyến JSM về cảng TCIT, nâng số tuyến nội Á của hãng tàu này qua CM-TV lên 4 tuyến. Do đó, tổng sản lượng hàng hóa tuyến nội Á của TCIT và TCTT (thuộc Tân Cảng Sài Gòn) tăng lần lượt 41% và 83% trong 10 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. 

Về chiều hướng phát triển trong tương lai, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) cho rằng, việc triển khai nhiều tuyến nội Á vào CM-TV sớm hay muộn cũng sẽ tới. Bởi vì các tàu đang thiên về sử dụng các tàu mẹ kích cỡ lớn và chỉ có CM-TV đủ sức đón các loại tàu này. 

Trên thực tế, nếu tăng tuyến nội Á qua hệ thống cảng CM-TV, thì các DN cảng cần phải tiếp tục đầu tư năng lực tiếp nhận. Cùng với đó là phải đầu tư hạ tầng đồng bộ, hình thành một “hệ sinh thái” logistics như cảng cạn, kho chứa container rỗng, các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm và giao thông kết nối đồng bộ. Riêng về năng lực của hệ thống cảng, ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc cảng TCTT cho biết, CM-TV hiện có 5 cảng container đang khai thác với khả năng thông qua 5,1 triệu TEUs. Sang quý II/2021, dự kiến cảng Germalink sẽ đi vào khai thác, nên sản lượng có thể đạt 6,6 triệu TEUs. Đến lúc đó, CM-TV có đủ khả năng tiếp nhận thêm 9 chuyến tàu nội Á.

Hiện CM-TV có 30 tuyến tàu nhưng chỉ có 7 tuyến tàu Nội Á. Trong ảnh Tàu Evergareen trọng tải 130 ngàn tấn đang hành hải vào cập cảng TCIT.
Hiện CM-TV có 30 tuyến tàu nhưng chỉ có 7 tuyến tàu Nội Á. Trong ảnh Tàu Evergareen trọng tải 130 ngàn tấn đang hành hải vào cập cảng TCIT.

Bài, ảnh: AN PHÚ

 
;
.