Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, giá dầu tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự ổn định, tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhưng đến thời điểm này nhiều DN dầu khí đã chốt mức chia cổ tức, cổ phiếu thưởng với tỷ lệ khá cao.
PV Gas là đơn vị có tỷ lệ chia cổ tức ổn định và ở mức cao trên thị trường chứng khoán. Trong ảnh: Công nhân, kỹ sư PV Gas trong giờ sản xuất. |
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã chứng khoán GAS) tiếp tục là DN có tỷ lệ chia cổ tức ổn định và ở mức cao trên thị trường chứng khoán. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, diễn ra vào đầu tháng 5 vừa qua, PV GAS đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ chia cổ tức là 45% vốn điều lệ (so với kế hoạch là 30%), tương đương tổng số tiền 8.613 tỷ đồng. Trong đó, PV Gas đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 10% hồi tháng 8/2019. Mới đây, Công ty tiếp tục chi trả đợt 2 với tỷ lệ 35%, tương đương với số tiền gần 6.700 tỷ đồng.
Năm 2019, PV Gas hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng từ 6-45%; các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 23-72%, về đích trước kế hoạch 2-3 tháng. Năm 2020, PV Gas tiếp tục đề ra mục tiêu chi trả cổ tức với tỷ lệ 30%, tương đương với số tiền khoảng 5.742 tỷ đồng. Ông Dương Mạnh Sơn, Tổng Giám đốc PV Gas cho biết, nếu kết quả kinh doanh tốt hơn sẽ nâng mức cổ tức được chia. Tính đến đầu tháng 10/2020, PV Gas đã hoàn thành kế hoạch năm 2020 ở 2 chỉ tiêu là sản xuất kinh doanh LPG và nộp ngân sách Nhà nước. Tại lễ công bố Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, PV Gas xếp thứ 7. PV Gas là DN nhiều năm liền lọt vào Top 10 của bảng xếp hạng.
Công ty CP PVI (mã chứng khoán PVI) cũng đã thông qua mức chi trả cổ tức ra bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 22,5%, tương đương mỗi cổ phiếu được nhận 2.250 đồng. Như vậy, với 223,52 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PVI sẽ phải chi 502,92 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2019 cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2020, PVI thông qua tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2019 là 22,5%, cao hơn so với kế hoạch cổ tức là 20% đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 thông qua. ĐHĐCĐ thường niên PVI cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh hợp nhất 2020 với tổng doanh thu 10.126 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 669 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 22,5%. Năm 2019, PVI đạt doanh thu 5.911 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 702 tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ. PVI cũng là DN được ghi danh trong bảng xếp hạng DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020, xấp thứ hạng 75, tăng 21 hạng so với kỳ công bố năm 2019.
Một số DN thì lựa chọn phương án thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền và cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Chẳng hạn, PVT chia cổ tức bằng tiền năm 2019 với tỷ lệ 4% vốn điều lệ và phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 15% vốn điều lệ. Như vậy, với 281,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PVT phải chi gần 112,6 tỷ đồng tiền mặt và phát hành thêm 42,2 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông. Đầu tháng 11 vừa qua, PVT đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu 1.856 tỷ đồng, tăng 6,5% so với quý 3 năm ngoái, trong khi đó tỷ lệ tăng chi phí vốn là 7,1% dẫn đến lợi nhuận gộp thu về đạt 286 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tính chung, 9 tháng năm 2020 PVTrans đạt doanh thu hơn 5.250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 453 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vài năm gần đây được xem là thời kỳ khó khăn nhất của ngành Dầu khí khi phải chịu những tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu. Tuy nhiên, lường trước được những thách thức, các DN đã đề ra được các giải pháp để khắc phục. Do đó, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, một số DN đã đề ra phương án chi trả cổ tức năm sau cao hơn hoặc tương đương năm trước. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc triển khai gói giải pháp, các DN tiếp tục triển khai quyết liệt việc tiết giảm chi phí; tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực…
Bài, ảnh: PHAN HÀ