Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, tuy nhiên trong thời gian qua, phát triển của vùng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Toàn khu vực còn nhiều hạn chế chưa được khắc phục, thiếu nhiều tuyến đường kết nối từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh, đặc biệt là BR-VT.
Kẹt xe thường xuyên trên QL 51 đoạn qua phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ. |
CHƯA KHAI THÁC HẾT TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
Hơn 5 năm trở lại đây, Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) đã và đang dần trở thành cảng trung chuyển quốc tế quan trọng của các tàu container siêu trọng tải ra vào. Trước đây, CM-TV chỉ có 8 chuyến tàu mẹ, tàu nội Á cập cảng nhưng hiện tại đã có 25 tuyến tàu vận tải quốc tế ra vào cảng mỗi tuần. Mới đây ngày 26/10, siêu tàu container Margrethe Maersk - một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, sức chở hơn 18.300 TEUs, dài gần 400m, rộng 59m cập Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT. Với sự kiện này, CMIT trở thành một trong số khoảng 20 cảng lớn trên thế giới có đủ năng lực tiếp nhận tàu kích cỡ này, góp phần khẳng định vị thế của hệ thống CM-TV trên bản đồ hàng hải thế giới.
Tại hội thảo về các giải pháp phát triển cảng biển BR-VT được tổ chức vào giữa tháng 6/2020, Đại tá Nguyễn Năng Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, những con số trên còn có thể ấn tượng hơn nữa nếu CM-TV có các yếu tố đồng bộ đi kèm, đặc biệt là kết nối giao thông giữa cảng CM-TV với TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Bởi lẽ, Quốc lộ 51 là tuyến giao thông huyết mạch của các tỉnh Đông Nam bộ, vừa phục vụ chuyên chở hàng hóa từ các KCN Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đến hệ thống các cảng biển mặc dù được nâng cấp, mở rộng thành 8 làn xe từ tháng 4/2013 với lưu lượng thiết kế 10.000 lượt xe/ngày đêm, tuy nhiên đến nay lưu lượng phương tiện qua đây đã vượt 4 lần công suất thiết kế, trung bình 40.000 lượt xe/ngày đêm. Lúc cao điểm, con số này lên đến 48.000 lượt xe/ngày đêm, dẫn đến ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. “Vì sự phát triển chung của cả nước, nhất là vùng kinh tế Đông Nam bộ, Bộ GT-VT, các bộ, ngành liên quan cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cầu Phước An kết nối đường liên cảng tỉnh BR-VT với khu vực Nhơn Trạch, Đồng Nai và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến này được đưa vào hoạt động, cùng với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang triển khai đầu tư sẽ giúp cho giao thông kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai đến BR-VT được nhanh chóng, thuận tiện, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 51 hiện đang ngày càng quá tải”, Đại tá Nguyễn Năng Toàn nói.
THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KẾT NỐI
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hiện hạ tầng giao thông là “điểm nghẽn” lớn nhất, khiến việc bứt phá của toàn vùng có phần chững lại so với trước đây. Để có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước, vùng Đông Nam bộ cần thêm lực từ các cơ quan hữu quan, nhất là ngành giao thông - vận tải. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ tại rất nhiều cuộc họp, mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn, nhưng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có nhiều địa phương vùng Đông Nam bộ đã bộc lộ nhiều hạn chế như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ và chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông; thiếu sự liên kết vùng…
Không riêng gì tuyến kết nối Quốc lộ 51 mà hiện nay, cả vùng Đông Nam bộ mới chỉ có hơn 40km đường cao tốc là tuyến TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, trong khi khoảng 80% lượng hàng hóa của các địa phương phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, quốc lộ 22 - con đường “độc đạo” nối TP. Hồ Chí Minh với Tây Ninh cũng không khả quan hơn. Tuyến đường dài 58,5km đã xuống cấp, lưu lượng phương tiện tăng đến 8% mỗi năm nên thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Để lắng nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp của bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các DN cùng hiến kế giúp thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực Đông Nam bộ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp cùng Báo Tuổi trẻ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT và Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ”. Hội thảo diễn ra tại TP. Vũng Tàu vào
ngày 22/11.
|
Để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ phát triển, thời gian qua nhiều công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư, đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả như cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 2, mở rộng xa lộ Hà Nội, mở rộng Quốc lộ 51… Nhiều dự án trọng điểm mới được đầu tư và có kế hoạch thực hiện thời gian sắp tới cũng mở ra cơ hội cho kết nối vùng, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường vành đai 3, các cây cầu lớn, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần họp trực tuyến, dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển hạ tầng giao thông các địa phương Đông Nam bộ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ cũng nhiều lần trực tiếp thị sát thực tế, lắng nghe kiến nghị, giải quyết vướng mắc, gỡ các điểm nghẽn cho CM-TV và các dự án giao thông trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Tuy nhiên, phần lớn các dự án nêu trên đang tồn tại nhiều điểm nghẽn cần sớm được tháo gỡ nút, đặc biệt là các chính sách mang tính “đột phá”.
NGÔ GIA