.

Hồ tiêu - thời vàng son bao giờ trở lại?

Cập nhật: 20:44, 23/11/2020 (GMT+7)

Từng là “vàng đen” giúp nhiều nông dân trở thành tỷ phú, nhưng gần 3 năm qua, hồ tiêu rớt giá thê thảm. Các vườn tiêu trù phú giờ chỉ toàn xơ xác, hoặc đã được thay thế bởi những loại cây trồng khác.

Không được đầu tư, chăm sóc, khiến tiêu năng suất thấp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức chặt bỏ thay thế cây trồng khác. Trong ảnh: Gia đình bà Dương Thị Thông (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) phơi tiêu sau thu hoạch.
Diện tích giảm, sản lượng tiêu của nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Đức giảm mạnh.
Trong ảnh: Gia đình bà Dương Thị Thông (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) phơi tiêu sau thu hoạch.

KIỆT SỨC, CẠN VỐN VÌ HỒ TIÊU

Thời điểm này, các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh đang trong thời điểm đậu trái. Tuy nhiên, thời tiết không thuận lợi, cùng với việc không được đầu tư chăm sóc kỹ khiến tỷ lệ tiêu kết trái rất thấp. Theo nhận định của các nhà vườn, năm nay sẽ tiếp tục một vụ tiêu mất mùa.

Ông Phan Huy Duẩn (ấp 2, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) hiện còn 6.000m2 tiêu. Những năm trước, vườn tiêu của ông Duẩn cho thu hoạch 4 tấn/vụ. Tuy nhiên năm nay, sản lượng ước chỉ đạt 2 tấn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp tiêu giảm năng suất. Nguyên nhân là do trong 2 năm trở lại đây, tiêu liên tục “chạm đáy”, cũng như nhiều nông dân khác, ông Duẩn phải giảm công chăm sóc, vì vậy tỷ lệ tiêu đậu trái rất thấp. Đặc biệt, vụ tiêu năm nay còn xảy ra tình trạng tiêu ra hoa ngay trong khi thu hoạch. Ông Duẩn cho biết, việc ra hoa dị biệt khiến cây suy yếu, nên dự báo những mùa tiêu tiếp theo cũng không mấy khả quan. “Giá tiêu nay xuống quá thấp. Chỉ còn khoảng 50 ngàn/kg... Càng chăm sóc càng lỗ nặng nên bà con nông dân đang từng bước rời bỏ cây trồng chủ lực một thời”, ông Duẩn nói.

Thực tế, trong thời gian qua, không ít nông dân đã phải đốn hạ tiêu, không dám “đánh cược” với loài cây từng một thời mang đến cuộc sống no đủ cho họ. Nhiều người chuyển sang các loại cây trồng mới dù chi phí chuyển đổi cao, mất nhiều thời gian cải tạo đất. Bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) vừa qua đã phải chặt bỏ gần 1ha tiêu và chuyển sang trồng sầu riêng. “Tiếc lắm, nhưng bám mãi vào hồ tiêu thì mình cũng tiêu luôn”, bà Hạnh chơi chữ trong chua chát.

Đến thời điểm này, giá hồ tiêu giảm 4 lần so với thời kỳ “vàng son”. Với mức giá hiện nay, 1kg tiêu, nông dân lỗ khoảng 15-20 ngàn đồng. Do đó, người trồng tiêu gần như cạn vốn đầu tư, chăm sóc. Cũng như với bất cứ loại cây trồng nào, khi không được chăm bón kỹ thì năng suất lại càng giảm. Nông dân đeo bám cây tiêu chẳng khác gì đang đánh đu với một vòng xoáy dễ kiệt sức, cạn vốn.

TRÁCH AI BÂY GIỜ?

Theo Bộ NN-PTNT, giá tiêu sụt giảm mạnh thời gian qua là do diện tích tăng nóng, quy hoạch của ngành chỉ sản xuất 50.000ha, trong khi diện tích thực tế gấp 3 lần quy hoạch, lên đến 150.000ha. Việt Nam chiếm 51% sản lượng toàn cầu và đứng đầu thế giới. Nhưng nghịch lý là ở chỗ, 90% lượng tiêu của nước ta chỉ làm gia vị, ít được sử dụng làm tinh dầu và dược phẩm, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ không lớn. Cũng cần nói thêm rằng, nhu cầu thị trường toàn cầu mỗi năm tăng 2-5%, nhưng sản lượng hồ tiêu lại tăng từ 8-10%. Trong bối cảnh nguồn cung dư thừa như vậy, với quốc gia chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu, khó khăn là không thể tránh khỏi. 

Có con đường nào để hồ tiêu trở lại thời vàng son? Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên toàn thế giới đã vượt cầu khá nhiều. Dự báo trong những năm tới, sản lượng hồ tiêu vẫn chiều hướng tăng. Thế nên, việc giá tiêu tăng mạnh trong tương lai gần là khó có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, cũng theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia… thì muốn phát triển được, hồ tiêu của Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chuyển dần sang chế biến sâu. Và câu chuyện này, hoàn toàn khó có thể bắt đầu từ phía nông dân mà phải từ các doanh nghiệp. Trên thực tế, ngoài làm gia vị, hạt tiêu được sử dụng nhiều để làm nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược. Khai thác được phân khúc tiêu thụ này, có thể giải quyết được bài toán nan giải về phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Hiện nay, đã có nhiều DN, HTX liên kết với nông dân sản xuất sạch, an toàn theo tiêu chuẩn thế giới và thực hiện chế biến sâu, làm gia tăng giá trị cho hạt tiêu trong bối cảnh thị trường ảm đạm 3 năm qua. Chẳng hạn như, nhờ canh tác theo quy trình GlobalGAP, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây (HTX Bầu Mây) đã mở ra cánh cửa cho nông dân trực tiếp làm ăn lớn, bớt phụ thuộc vào những hợp đồng thời vụ của thương lái. Không những trụ vững trong bối cảnh giá tiêu xuống thấp mà còn bán được tiêu với giá cao “ngất ngưởng”, từ 2,2-15 triệu đồng/kg, tùy loại tiêu sữa, tiêu không hạt, tiêu một nắng... ở thị trường trong nước và giá xuất khẩu là 22 triệu đồng/kg (tiêu không hạt). Đây cũng là HTX điển hình trong việc cung cấp sản phẩm chế biến từ hạt tiêu cho các thị trường khó tính và yêu cầu cao về chất lượng như Nhật Bản, Dubai, Mỹ, Anh...

Thống kê từ Sở NN-PTNT, nếu như vào thời điểm cách đây 5-6 năm, giá tiêu ở mức cao, người dân ồ ạt tăng diện tích thì nay, khi giá giảm mạnh, nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và chết đã khiến diện tích tiêu của tỉnh cũng giảm theo. Hiện toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300ha, giảm hơn 1.830ha so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản lượng tiêu thu hoạch ước đạt trên 19.340 tấn, bằng 91,7% so với kế hoạch, giảm 1.754 tấn so cùng kỳ năm ngoái.
Nông dân trồng tiêu điêu đứng vì “vàng đen” một thời rớt giá thê thảm. Trong ảnh: Bà Mai Thị Phúc, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Nông dân trồng tiêu điêu đứng vì “vàng đen” một thời rớt giá thê thảm. Trong ảnh: Bà Mai Thị Phúc, ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

.
.
.