.

Kiên quyết nói "không" với chất thải nhựa

Cập nhật: 18:36, 22/11/2020 (GMT+7)

Mỗi năm có đến 300 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường - nặng tương đương trọng lượng của toàn bộ dân số địa cầu - và hơn một nửa số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhằm hạn chế những tác hại do chất thải nhựa gây ra, BR-VT lần đầu tiên tổ chức triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật với chủ đề “BR-VT nói không với chất thải nhựa”. Tại triển lãm, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục BVMT phía Nam (Bộ TN-MT) đã dành cho phóng viên Báo BR-VT cuộc trao đổi xung quanh vấn đề về rác thải nhựa.

Ông Trần Phong, Cục trưởng  Cục BVMT phía Nam (Bộ TN-MT).
Ông Trần Phong, Cục trưởng Cục BVMT phía Nam (Bộ TN-MT).

* Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về những tác hại của chất thải nhựa đến môi trường và sức khỏe?

- Ông Trần Phong: Trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa. Rác thải nhựa đã tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Tác hại nguy hiểm nhất của rác nhựa chính là tính chất rất khó phân hủy. Ngay cả khi được thu gom và chôn lấp lẫn vào đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi qua đất làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật…

Hàng triệu tấn chất thải nhựa sẽ tiếp tục tồn tại hàng thế kỷ dưới đại dương, gây tổn thương hệ san hô, làm biến đổi môi trường sống và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Hiện nay, rác thải nhựa giết chết 1,5 triệu động vật mỗi năm và loài người vẫn chưa có giải pháp nào xử lý được. Chúng cũng làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, gây độc hại cho môi trường. Khi bị đốt, chúng tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan - những chất tồn tại lâu dài và kịch độc đối với sự sống.

* Ai cũng thấy rõ tác hại của đồ nhựa đến môi trường, sức khỏe. Nhưng vì sao mọi người vẫn sử dụng? 

- Rõ ràng, tác hại của nhựa và túi nilon đến môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay con người chưa thể dùng các loại vật liệu khác để thay thế hoàn toàn loại vật liệu này. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa đã gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân, được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi.

* Chúng ta phải làm gì để hạn chế rác thải nhựa, thưa ông?

Phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc cách đây hơn một năm là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của Thủ tướng, Chính phủ, của hệ thống chính trị, từ việc ban hành các chính sách đến các đổi mới hoạt động của DN, cũng như thay đổi nhận thức trong cộng đồng và từng người dân. Đặc biệt, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CP-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Hiện nay, các Bộ, ngành đề ra chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu chất thải nhựa theo từng lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt, sẽ tập trung vào thực hiện 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) chất thải, coi chất thải được phân loại là tài nguyên. 

* Thường xuyên tham gia giám sát công tác BVMT tại BR-VT, ông có nhận xét như thế nào về công tác BVMT tại địa phương và chương trình hành động giảm rác thải nhựa mà BR-VT đã thực hiện?

- BR-VT là một trong những tỉnh, thành tập trung nhiều giải pháp về BVMT, kiểm soát chặt chẽ các khu sản xuất đặc thù như khu xử lý chất thải tập trung, KCN, CCN; quản lý hệ thống các hồ chứa từ đầu nguồn; đầu tư các dự án xử lý chất thải… Từ những việc này có thể thấy, BR-VT đã coi việc phát triển kinh tế phải song hành với BVMT để phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, các dự án khi đầu tư vào BR-VT đều được địa phương cân nhắc về các vấn đề BVMT, bảo vệ an toàn tuyệt đối nguồn nước, công nghệ sản xuất phải hiện đại khi xem xét chủ trương đầu tư. Cụ thể, tỉnh BR-VT đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải nhựa. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND và Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh. Phong trào này đã được tỉnh BR-VT triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân, DN trong việc giảm thiểu sử dụng túi nilon và các sản phẩm chế xuất từ nhựa, đồng thời tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lần… 

Người dân và du khách tham quan mô hình “đường đi của rác thải nhựa” tại triển lãm “BR-VT nói không với chất thải nhựa”.
Người dân và du khách tham quan mô hình “đường đi của rác thải nhựa” tại triển lãm “BR-VT nói không với chất thải nhựa”.

* Triển lãm “BR-VT nói không với chất thải nhựa” là một trong những sự kiện quan trọng mà tỉnh BR-VT lần đầu tiên tổ chức để tuyên truyền, khuyến khích người dân từ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ông có nhận xét như thế nào về hoạt động này?

- Triển lãm “BR-VT nói không với chất thải nhựa” trưng bày hơn 100 tác phẩm tranh, ảnh, mô hình nghệ thuật sắp đặt của các tác giả là nhiếp ảnh gia, phóng viên, tình nguyện viên môi trường, người dân trong và ngoài tỉnh. Triển lãm đã phản ánh những ảnh hưởng tiêu cực của chất thải nhựa đối với đời sống con người, với đại dương và các sinh vật biển; đồng thời lan tỏa những cách làm hay, những mô hình BVMT thiết thực. Triển lãm tổ chức ở một không gian mở - công viên Bãi Trước, TP. Vũng Tàu thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch tham quan. Đây là một hình thức tuyên truyền mới mẻ và độc đáo, từ đó giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; tăng cường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, góp phần phát triển tỉnh BR-VT bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

QUANG VŨ (thực hiện)

.
.
.