Gỡ khó cho hợp tác xã phát triển

Chủ Nhật, 01/11/2020, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Luật HTX năm 2012 đã tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, giúp các HTX đổi mới bộ máy tổ chức, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, HTX kiểu mới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Nhiều HTX đang loay hoay tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm của mình.  Trong ảnh: Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Bầu Mây giới thiệu sản phẩm hạt tiêu tới khách hàng.
Nhiều HTX đang loay hoay tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm của mình. Trong ảnh: Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Bầu Mây giới thiệu sản phẩm hạt tiêu tới khách hàng.

KHÓ TIẾP CẬN VỐN

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, trong số 85 HTX nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 10% HTX xếp loại yếu. Nguyên nhân chính là hầu hết các HTX nông nghiệp chưa có cơ hội để tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần đông đã lớn tuổi, chưa qua đào tạo, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên khả năng điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh và kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế…

Bà Cao Thị Diệu Thúy, Giám đốc HTX Hải sản Nguyên Phát (TP. Vũng Tàu) cho biết, HTX bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019 với lĩnh vực thu mua, chế biến muối, hải sản. Trung bình HTX thu mua khoảng 300 tấn muối/năm. Sản phẩm muối được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng nhưng hạn chế lớn nhất là quy trình sản xuất muối vẫn ở dạng thô, giá trị mang lại chưa cao. “Để đầu tư một dây chuyền chưng cất và mở rộng xưởng cần vài tỷ đồng, nhưng HTX không có tài sản thế chấp nên không thể vay được số tiền lớn như vậy”, bà Thúy cho hay.

Còn ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Nhân Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, HTX hiện có 19 hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng, canh tác trên diện tích 16,8ha. Có tổ chức hoạt động bài bản, các thành viên HTX bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản phẩm nhãn xuồng đã được đưa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ. Thế nhưng, HTX này cũng không tránh khỏi tình trạng khó tiếp cận vốn bởi theo quy định, Quỹ Liên minh HTX chỉ cho vay đầu tư như máy móc, trang thiết bị. Trong khi đó, HTX lại có nhu cầu vốn để mua giống, phân bón, vật tư nông nghiệp.

Để hỗ trợ HTX phát triển, hiện nay, theo quy định của Nghị định 55/2015/ NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, HTX được vay tiền từ các tổ chức tín dụng không có tài sản bảo đảm tối đa từ 1 - 3 tỷ đồng. Hơn nữa, các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng giải quyết cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70 - 80% giá trị dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Dù vậy nhưng cũng chưa có HTX nào tiếp cận được nguồn vốn này, trong đó chủ yếu là do hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, hoặc chưa xây dựng được phương án kinh doanh khả thi để thuyết phục ngân hàng và các tổ chức tín dụng; chưa xây dựng được mô hình chuỗi liên kết; tỷ lệ rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro trong nông nghiệp do điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch bệnh...

Mặc dù là HTX điểm, song HTX AN Nhứt (huyện Long Điền) vẫn gặp nhiều khó khăn về nhân lực và mở rộng quy mô sản xuất.
Là HTX điểm, song HTX AN Nhứt (huyện Long Điền) vẫn gặp nhiều khó khăn về nhân lực và mở rộng quy mô sản xuất. Trong ảnh: Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại HTX An Nhất (huyện Long Điền).

TIẾP TỤC GỠ KHÓ CHO CÁC HTX

Tại hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển HTX, Quyết định số 1598/QĐ-UBND của UBND tỉnh và giao ban HTX nông nghiệp 2020 cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Cảnh Thái Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thái Dương, xã Xà Bang, huyện Châu Đức cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, ngoài vốn và nguồn nhân lực thì các HTX cần liên kết với nhau tạo thành các chuỗi cung ứng sản phẩm. Đối với cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối...

Còn theo ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cần rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với HTX, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý HTX; phát huy tốt vai trò của thành viên HTX trong tổ chức sản xuất. Để tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng các chính sách, bản thân các HTX cũng phải thay đổi chính mình; phải tự cơ cấu lại hoạt động, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, kinh doanh; lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả...

“Là cơ quan quản lý Nhà nước về nông nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, tích cực hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất với các DN, cũng như xây dựng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để nhân rộng ra toàn tỉnh”, ông Đăng nói thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.