70.000-90.000 đồng/kg heo hơi là mức giá đem đến lợi nhuận khá cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, vào lúc này, không nhiều người dám tăng đàn ồ ạt vì heo giống giá rất cao, từ 3-5 triệu đồng/con.
Bà Vũ Thị Kim Nga (ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn heo phục vụ Tết Nguyên đán. |
THẬN TRỌNG TÁI ĐÀN
Khác với mọi năm, các hộ nuôi heo trong tỉnh hiện rất thận trọng với việc mở rộng chăn nuôi cung ứng cho thị trường Tết. “Biết rằng nhu cầu thịt heo vào cuối năm luôn tăng mạnh. Hơn nữa, giá heo hiện nay lên tới 68.000-73.000 đồng/kg, một mức giá rất cao. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn khó lường, nên nếu mở rộng đàn heo là khá mạo hiểm”, ông Phan Văn Hiếu (ấp 4B, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) lý giải về việc không dám mở rộng quy mô chăn nuôi.
Năm ngoái, ông Hiếu nuôi 100 con heo phục vụ thị trường Tết, nhưng năm nay, ông chỉ chăm 24 con. “Với giá heo hiện tại, trung bình mỗi con heo xuất chuồng, lãi khoảng 2-3 triệu đồng. Với người chăn nuôi, đó là mức lãi lớn. Nhưng chỉ dựa vào lãi mà không tính đến rủi ro vào lúc này là không được”, ông Hiếu nói thêm.
Với suy nghĩ tương tự, bà Vũ Thị Kim Nga (ấp Đức Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang nuôi 200 con heo thịt, trong đó lứa heo Tết khoảng 100 con. Theo bà Nga, dù giá heo đang tăng cao nhưng bà không tăng đàn ồ ạt bởi lo lắng về tình hình dịch bệnh và nhiều rủi ro về thị trường. Theo tính toán của bà Nga, hiện giá heo giống đang ở mức cao (3-5 triệu/con, tùy trọng lượng), nhưng thị trường giá heo đang dần về mức ổn định, nên việc tăng giá cao vào thời điểm cuối năm khó xảy ra.
Tại các địa phương khác trong tỉnh, hầu hết người chăn nuôi đều có chung tâm lý, họ chưa dám mạnh tay mở rộng đàn heo vì lo ngại giá cả thiếu ổn định. Chỉ những hộ gia đình nào có thể tự nhân giống mới tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi.
Đàn heo Tết của gia đình ông Nguyễn Ngọc Phúc (ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc). |
NHƯNG KHÔNG LO THỊ TRƯỜNG KHAN HIẾM THỊT
Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã triển khai nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch, nhằm phục hồi chăn nuôi, tái lập đàn. Sở cũng làm cầu nối giúp người chăn nuôi có điều kiện tiếp xúc với các cơ sở cung cấp heo giống chất luợng. Do đó, việc phục hồi đàn heo sau những ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi đã có chuyển biến tích cực. Theo thống kê, tổng đàn heo của tỉnh ở thời điểm này là khoảng 415.800 con, tăng 7,2% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng thịt hơi trung bình đạt gần 62.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sản lượng này đủ cung cấp nguồn thịt heo cho thị trường nội tỉnh dịp cuối năm. Thậm chí, có thể phục vụ một phần thị trường các tỉnh lân cận. Ngành nông nghiệp dự báo, giá mặt hàng thực phẩm từ heo trong dịp cuối năm nay chỉ tăng nhẹ.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) khuyến cáo: Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường tăng cao, thị trường tiêu thụ thoáng hơn sẽ dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, vi rút các loại dịch bệnh nguy hiểm có cơ hội xâm nhiễm. Hơn nữa, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao ít nhiều ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăn nuôi, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm. “Đối với những người chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc khử trùng thường xuyên và tiêm phòng vacxin cho những bệnh thường xảy ra và tăng cường bổ sung khoáng chất, vitamin và men sinh học để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Mặt khác chọn giống thì chúng ta nên chọn giống có uy tín, trong quá trình nuôi thì phải cách ly sau một thời gian mới cho nhập đàn”, ông Trung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU