Đòn bẩy giúp nông dân làm giàu

Thứ Năm, 26/11/2020, 20:13 [GMT+7]
In bài này
.

10 năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đang trở thành một kênh tín dụng hấp dẫn, đem lại hiệu quả tích cực đối với với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bền vững. Trong ảnh: Bà Vũ Thị Kim Nga (ấp Đức Chung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn heo của gia đình.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả, giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu bền vững. Trong ảnh: Bà Vũ Thị Kim Nga (ấp Đức Chung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) chăm sóc đàn heo của gia đình.

MẠNH DẠN ĐẦU TƯ NHỜ CÓ NGUỒN VỐN VAY

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại nuôi bò thịt, ông Đỗ Thanh Quang (ấp Thanh An, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) hồ hởi cho biết: Trước đây gia đình ông chăn nuôi gà và bò thịt nhưng không mấy hiệu quả. Năm 2019, ông tìm hiểu và chuyển hướng sang nuôi bò thịt 3B thuần chủng của Mỹ. Tuy nhiên, mô hình này cần chi phí đầu tư lớn (chủ yếu là mua giống). “Trong lúc đang gặp khó khăn, không có kinh phí để đầu tư phát triển trang trại, tôi được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi sửa sang chuồng trại, mua thức ăn cho bò… Khi được đầu tư bài bản, mô hình chăn nuôi bò thịt 3B của gia đình tôi nhanh chóng mang lại hiệu quả”, ông Quang nói.

Hiện đàn bò của gia đình ông Quang đang duy trì 45 con bò thịt. Sau 17 tháng nuôi, bò thịt sẽ được xuất bán với trọng lượng đạt 800-900kg/con. Với giá bán từ 60-70 triệu đồng/con, mỗi đợt xuất bán, gia đình ông Quang thu về hơn 500 triệu đồng/lứa.

Với nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, bà con nông dân không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần đề ra phương án sản xuất khả thi. Do đó, hiệu quả kinh tế chuyển biến tích cực thấy rõ. Nhiều nông dân cũng đầu tư nguồn vốn vay đúng mục đích, chăm chỉ làm ăn đã vươn lên làm giàu chính đáng. Chẳng hạn như nhờ được đầu tư bài bản, phòng tránh dịch bệnh tốt, trang trại nuôi heo của gia đình bà Vũ Thị Kim Nga (ấp Đức Chung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) vẫn duy trì đàn heo gồm 200 con heo thịt và 30 con heo nái. 

Bà Nga cho hay, hơn 25 năm gắn bó với nghề nuôi heo, không ít lần bà gặp khó khăn, thua lỗ, tưởng chừng như phải bỏ nghề. Ví dụ như năm 2016, khi giá heo xuống thấp mức đỉnh điểm chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg, gia đình bà điêu đứng vì thua lỗ cả tỷ đồng. Không có vốn đề tái đầu tư, bà Nga đã nghĩ tới việc chuyển đổi sang nuôi gia cầm. Tuy nhiên, được sự tư vấn của Hội Nông dân xã Bình Giã, bà mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để mua heo giống, tái đàn. Nhờ đó, gia đình bà mới “vực dậy” gây dựng lại trang trại. Khi heo tăng giá trở lại, gia đình bà nhanh chóng trả hết tiền gốc lẫn lãi cho dự án. Nhờ hoạt động có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, năm 2019, bà Nga tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để chuyển đổi sang nuôi heo chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo đó, thay vì nuôi heo trong khu dân sinh như trước đây, bà đầu tư chuồng trại, chuyển toàn bộ đàn heo thịt ra khu xa dân cư, không gây ô nhiễm môi trường. Hiện trung bình mỗi tháng trang trại của bà Nga xuất bán từ 30-50 con heo thịt, thu nhập bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trao tiền cho các hội việc thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức).
Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trao tiền cho các hội việc thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức).

PHÁT HUY HIỆU QUẢ NGUỒN VỐN

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, qua đó, giúp cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Xác định việc bảo đảm an toàn nguồn vốn là quan trọng nhất trong công tác quản lý vốn, vì vậy, trước khi tiến hành giải ngân cho vay, người quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã trực tiếp xuống tận nơi thẩm định 100% số hộ xin vay. 

Ông Bùi Phong Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ba, huyện Châu Đức cho biết: Không chỉ làm công tác tuyên truyền, trong quá trình bình xét cho vay, địa phương đã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn. Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay, vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Hội Nông dân còn thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn.

Nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, giai đoạn 2011-2020” và sơ kết 5 năm phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào ngày 27/11. Hội nghị cũng là dịp biểu dương các mô đình điển hình; đánh giá, nhìn nhận các hạn chế đồng thời đề xuất các giải pháp hiệu quả để phát huy vai trò của nguồn vốn hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Hội Nông dân tỉnh, việc thực hiện tốt cho vay theo phương án sản xuất - kinh doanh nhóm hộ, mỗi chu kỳ cho vay vào khoảng 2-3 năm/mô hình dự án đã giúp hội viên Hội Nông dân thúc đẩy sản xuất, phát triển các cây, con chủ lực theo định hướng của tỉnh. Từ hiệu quả của các dự án đã xây dựng được nhiều điển hình tiêu biểu như: Mô hình trồng đu đủ A Cón tại xã Bình Giã, bơ Thái Dương tại xã Xà Bang, nuôi cá nước ngọt tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức); thanh long ruột đỏ xã Bưng Riềng, xã Bông Trang; nhãn xuồng cơm vàng xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc)… 

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, với thủ tục vay vốn dễ dàng, không cần tài sản thế chấp, Quỹ Hỗ trợ nông dân là kênh vay vốn hiệu quả, giúp bà con nông dân có nguồn vốn phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ, xây dựng thành công nhiều dự án nông nghiệp, góp phần phát huy hiệu quả thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, từ các dự án đã hình thành các tổ sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tính đến tháng 9/2020, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh gần 87 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho 5.000  lượt hộ vay vốn với số tiền hơn 200 tỷ đồng thực hiện hơn 500 dự án.

Trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn, giúp nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, các cấp Hội sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các phong trào, hoạt động của Hội phù hợp với từng đối tượng hội viên; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng tới hỗ đẩy mạnh xây dựng các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời làm cầu nối xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường nông sản cho người nông dân…

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

 
;
.