Diện tích cây ăn trái tăng "nóng"

Thứ Tư, 18/11/2020, 20:12 [GMT+7]
In bài này
.

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh “ồ ạt” chuyển qua trồng các loại cây ăn trái, khiến diện tích của loại cây này tăng “nóng”. Nguy cơ cung vượt cầu sẽ xảy ra nếu không có định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Cũng giống như nhiều hộ khác tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Thắng (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng tiêu sang trồng cây bơ.
Cũng giống như nhiều hộ khác tại địa phương, ông Nguyễn Hữu Thắng (ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng tiêu sang trồng cây bơ.

Ồ ẠT TĂNG DIỆN TÍCH CÂY ĂN TRÁI

Gia đình ông Nguyễn Hữu Thắng, ấp Liên Đức, xã Xà Bang, huyện Châu Đức nhiều năm gắn bó với cây tiêu. Tuy nhiên, năm 2015 khi vườn tiêu già cỗi, bị chết hàng loạt do nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, ông đã chuyển hết 1,5ha sang trồng bơ. Theo ông Thắng, lúc bấy giờ, thấy người ta trồng bơ cho thu nhập cao nên ông mạnh dạn chuyển đổi hết số diện tích đang trồng tiêu cho hiệu quả kém. Sau  gần 6 năm chuyển đổi, hiện vườn bơ của gia đình đã cho thu hoạch, với năng suất 10 tấn/vụ, lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức, cũng đã chuyển đổi 1/3 diện tích trồng tiêu sang trồng sầu riêng. Bà Hạnh chia sẻ, ngay khi giá tiêu “lao dốc”, tiêu ứ đọng, không bán được, gia đình bà thiếu vốn để tái đầu tư, khiến nhiều gốc tiêu đã bị bệnh chết nhanh, chết chậm, với diện tích lên đến 7.000m2. Thấy lợi nhuận từ cây tiêu không còn cao, gia đình bà Hạnh quyết định vay vốn chuyển đổi số diện tích 7.000m2 này sang trồng 300 gốc sầu riêng. Mặc dù, chi phí đầu tư ban đầu cho việc chuyển đổi sang cây sầu riêng không hề nhỏ, thời điểm bà chuyển đổi, riêng tiền giống là 160.000 đồng/cây, chưa kể chi phí phân, công lao động…. Song thấy nhiều hộ tại địa phương trồng có hiệu quả, bà quyết định chuyển đổi. Theo bà Hạnh, sở dĩ bà chọn cây sầu riêng bởi đây là loại trái cây hiện đang có giá nhất thị trường.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, hiện nay diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 3.852ha, tăng 950ha so với cùng kỳ năm trước. Các loại cây ăn trái trên địa bàn huyện là mít, bơ, sầu riêng, đu đủ, bưởi, chuối…. Trong đó, bơ và sầu riêng chiếm diện tích lớn nhất. Riêng tại xã Xà Bàng, ông Nguyễn Đóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin, khoảng 4 năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi gần hết diện tích trồng tiêu và trồng điều, với khoảng gần 650ha sang trồng các loại cây bơ, sầu riêng và mít. Trong đó, bơ là loại cây được nhiều người chuyển sang trồng nhất với khoảng 600ha.

Không riêng gì huyện Châu Đức, tại TX. Phú Mỹ diện tích trái cây cũng đang tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Ông Dương Văn Tèo (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) cũng chuyển đổi từ vườn cây kém hiệu quả sang trồng gần 1ha bưởi da xanh. Ông Tèo cho biết, nhờ đặc điểm đất đai, khí hậu tại địa phương phù hợp nên bưởi cho năng suất tốt, trung bình 20-25 tấn/ha, giá bán cũng luôn ở mức cao, 30-70 ngàn đồng/kg tùy thời điểm. Nhờ đó, trừ chi phí mỗi năm nông dân trồng bưởi có thể thu được khoảng 500-600 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, hiện thị trường tiêu thụ của loại trái cây này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, đầu ra thiếu ổn định.

Nông dân huyện Xuyên Mộc thu hoạch nhãn.
Nông dân huyện Xuyên Mộc thu hoạch nhãn.

RỦI RO CAO

Diện tích tăng là thế, song mùa thu hoạch bơ năm nay, hàng trăm hộ dân trồng bơ trên địa bàn tỉnh đã rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi giá bơ xuống thấp còn ½ so với năm ngoái. Theo chia sẻ của nhiều hộ trồng bơ trên địa bàn huyện Châu Đức, nếu như năm ngoái, giá bơ khá cao từ 35-40.000 đồng/kg, thì năm nay do sản lượng bơ nhiều, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá hạ xuống còn khoảng 15-20.000 đồng/kg. Trong khi đó, vài năm trở lại đây cây bơ bị nhiều loại bệnh tấn công và rất khó trị. Chính vì vậy, đã ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của bơ, chi phí của người trồng cũng vì thế mà tăng cao, không còn dễ.

Cùng với cây bơ, hiện tại nhiều bà con trồng nhãn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc cũng đang “điêu đứng” khi giá nhãn đang rớt ở mức kỷ lục khi chỉ còn 6.000-9.000 đồng/kg. Diện tích tăng nhanh, sản lượng lớn trong khi sức tiêu thụ chậm, thị trường tiêu thụ thiếu tính ổn định, thương lái ép giá, không ít hộ lâm vào cảnh nợ nần khi vay ngân hàng đầu tư.

Theo phản ánh của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, trong khi các lại cây lâu năm như tiêu, cà phê, điều, cao su gặp khó khăn về đầu ra, giá cả thấp, bà con nông dân bắt đầu đua nhau chuyển đổi cây trồng. Thấy các loại cây như mít Thái, sầu riêng bơ… có giá cao, người dân ồ ạt trồng theo phong trào. Tuy nhiên, bản thân nhiều hộ nông dân cũng không hề tính toán về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm trái cây sau khi chuyển đổi. Câu chuyện của cây chuối cấy mô và thanh long tại huyện Xuyên Mộc thời gian trước là minh chứng cho việc nông dân vẫn chạy theo phong trào, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Nỗi lo về cơn khủng hoảng thừa nguồn cung từng diễn ra với thanh long, nhãn, chuối… hoàn toàn có thể tái diễn với nhiều loại cây ăn trái khác khi diện tích những cây trồng này không ngừng tăng nhanh.

CHÚ TRỌNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VƯỜN CÂY

Theo đánh giá của Sở  NN-PTNT, diện tích trồng cây ăn trái liên tục tăng không chỉ riêng sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mà thời gian trước đây nhiều loại trái cây khác cũng liên tục được mùa, được giá. Cộng với việc một số cây công nghiệp lâu năm như hồ tiêu, cà phê, cao su gặp vấn đề về dịch bệnh, giá cả. Do vậy, bà con nông dân đã chuyển hướng qua mở rộng diện tích trồng cây ăn trái. Trong đó, các loại trái cây đặc sản như bưởi da xanh, sầu riêng, bơ... có tốc độ tăng “nóng”, lên đến hàng trăm ha. Thực tế cho thấy, lâu nay thói quen của nông dân là thấy ai trồng loại cây ăn trái nào “trúng” thì ùn ùn trồng theo. Chẳng bao lâu, thị trường bão hòa, giá cả xuống thấp, dịch bệnh liên miên… Còn loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao thì “vắt” kiệt sức để thu lợi nhuận. 

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân, thay vì tăng diện tích trồng ồ ạt, bà con cần tiếp tục nâng cao chất lượng vườn cây, đăng ký sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và mở rộng sang các thị trường mới có tiềm năng trên thế giới. Bên cạnh đó, để giảm áp lực của tình trạng “được mùa, rớt giá”, nông dân nên chú trọng thực hiện việc rải vụ thu hoạch một số loại trái cây bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp, đồng thời liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để có đầu ra ổn định, bền vững.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, nếu như diện tích trồng các loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh năm 2018 là hơn 9.000ha, năm 2019 là hơn 10.300ha thì đến nay diện tích trái cây trên địa bàn tỉnh đã là gần 12.000ha, tăng 1.566ha so với năm 2019.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.