.

Dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường: Chưa đủ quyết liệt để thắng sự thiếu ý thức

Cập nhật: 18:21, 10/11/2020 (GMT+7)

Ngày 31/10 TP. Vũng Tàu mở đợt cao điểm lập lại trật tự đô thị. Hàng trăm trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đã bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện và bị xử phạt. Nhưng chỉ sau 10 ngày, mọi thứ lại trở về như cũ. Không biết bao lần, điệp khúc “tái chiếm” vỉa hè, lòng đường đã diễn ra theo cách như vậy.

Đường Nguyễn Công Trứ (phường 2) bị người dân lấn chiếm vỉa hè và lòng đường để buôn bán hải sản nên không còn chỗ cho xe cộ lưu thông.
Đường Nguyễn Công Trứ (phường 2) bị người dân lấn chiếm vỉa hè và lòng đường để buôn bán hải sản nên không còn chỗ cho xe cộ lưu thông.

ĐÂU LẠI VÀO ĐẤY

10 ngày sau đợt ra quân của TP. Vũng Tàu, chúng tôi trở lại một số khu vực “điểm nóng” mà lực lượng chức năng đã xử lý, thì mọi thứ đâu lại vào đấy. Trên các tuyến đường tập trung đông khách du lịch, nhà nghỉ, khách sạn thuộc địa phận phường Thắng Tam như Thùy Vân, Phó Đức Chính, La Văn Cầu, Phan Văn Trị, Dã Tượng… hầu hết các hộ kinh doanh, buôn bán và người bán hàng rong đã lấn chiếm lòng đường kê bàn ghế, tủ bán hàng. Ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch UBND phường Thắng Tam cho biết, đợt ra quân cao điểm cuối tháng 10 vừa qua, phường đã yêu cầu 16 trường hợp buôn bán ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè; đồng thời tạm thu giữ 25 bàn nhựa, 5 bảng hiệu, 6 dù, 50kg rau củ các loại; xử lý vi phạm 2 xe ô tô, 2 xe máy. Qua các ngày cao điểm, phường vẫn tổ chức ra quân nhắc nhở và xử lý vi phạm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè nhưng các hộ kinh doanh buôn bán vẫn chưa tự giác chấp hành.

Theo quan sát của phóng viên, tại một số tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Lợi, Bacu, Lê Lai, Nguyễn Văn Trỗi… rất nhiều cửa hàng chiếm dụng khoảng 2/3 diện tích vỉa hè; để xe ra ngoài vạch trắng, lấn hết khu vực dành cho người đi bộ. Đặc biệt, các tuyến đường có “chợ tự phát” như Nguyễn Công Trứ; Trần Bình Trọng, Lưu Chí Hiếu, Phước Thắng, Cô Giang… nhiều hộ kinh doanh còn trưng vỉ phơi cá; lò nướng; rau củ quả… ra vỉa hè và xả nước thải ra đường. Khi lực lượng chức năng nhắc nhở, đa số các hộ kinh doanh tỏ ra hợp tác, dọn dẹp đồ đạc gọn gàng. Thực chất chỉ là đối phó để tránh bị xử phạt.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu, trên địa bàn có 12 “chợ tự phát” nằm rải rác tại các phường với khoảng hơn 1.000 hộ kinh doanh, buôn bán. Để đối phó với lực lượng chức năng, hầu hết những người buôn bán ở chợ đều “tự chế” những thiết bị bán hàng có bánh xe để dễ… chạy. Có lẽ do đã chuẩn bị sẵn nên người buôn bán tự tin, vô tư bày hàng hóa ra gần giữa lòng đường.

Chợ Cô Giang (phường 4) lại buôn bán lộn xộn như chưa từng có cuộc ra quân lập lại trật tự đô thị.
Chợ Cô Giang (phường 4) lại buôn bán lộn xộn như chưa từng có cuộc ra quân lập lại trật tự đô thị.

KHÔNG ĐƯỢC BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ

Cuối tháng 10/2020, tại cuộc họp sơ kết đánh giá công tác thực hiện công tác quản lý đô thị do UBND TP. Vũng Tàu tổ chức, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu nhận định, tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tuy có giảm nhưng chưa nhiều. Các tuyến phố chính: tuyến ven biển, Ba Cu, Đồ Chiu, Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, 30/4, Trương Công Định, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn An Ninh… thường xuyên có trường hợp lấn chiếm vỉa hè, đỗ xe sai quy định nhưng chưa được xử lý nghiêm khắc.

Ông Vũ Hồng Thuấn cho rằng, thời gian qua, UBND các phường, xã chưa chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, các hộ dân để cùng thực hiện lập lại trật tự đô thị. Việc ra quân xử lý không duy trì thường xuyên, liên tục và trải khắp địa bàn. Hiện nay, việc xử lý chủ yếu tập trung vào hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán; chưa chú trọng xử lý các hành vi đậu xe máy dưới lòng đường, giải tỏa bục bệ, ram dốc và các vật kiến trúc lấn chiếm vỉa hè. UBND các phường có bố trí lực lượng chốt trực sau những đợt ra quân cao điểm, nhưng xử lý thiếu kiên quyết. Vì thế, kết quả không duy trì được lâu dài.  

Cần phải thấy rằng, “kinh tế vỉa hè” là đặc trưng của các đô thị Việt Nam, do lực lượng kinh doanh là cá thể chiếm đa số. Các nhà mặt phố thường kết hợp kinh doanh buôn bán; lực lượng buôn bán tự do gắn với hàng rong, xe đẩy, buôn thúng bán mẹt nhưng lại là hình thức mưu sinh. Thói quen sinh hoạt của người dân là đậu xe, mua bán tùy tiện trên lòng đường, vỉa hè với đặc thù xe máy nhỏ gọn, cơ động. Đó là lý do vì sao việc lập lại trật tự đô thị, không để lấn chiếm lòng đường, vỉa hè dù đã được TP. Vũng Tàu quyết liệt triển khai từ nhiều năm nhưng vẫn chưa đạt kết quả mong muốn.

Theo Ban Chỉ huy xử lý các điểm nóng về vi phạm trật tự đô thị, các khu vực chợ tự phát TP. Vũng Tàu, công tác lập lại trật tự lòng đường vỉa hè là công việc phức tạp, phải đảm bảo tính bền vững. Do đó việc kiểm tra xử lý tránh sự nóng vội gây bức xúc cho người dân, nhưng cần thực hiện quyết liệt, thường xuyên, tránh việc thực hiện cao điểm sau đó buông lỏng quản lý. Các trường hợp đã lập biên bản nhắc nhở thì cơ quan chức năng phải theo dõi, kiểm tra. Trường hợp cố tình không chấp hành thì phải kiên quyết thực hiện xử phạt vi phạm và cưỡng chế thực hiện.

Hiện nay, TP. Vũng Tàu đang triển khai “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè” nhằm mục tiêu là tạo cơ sở pháp lý phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự đô thị; bảo đảm thông thoáng lòng đường, vỉa hè. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè cho các tổ chức cá nhân trong thời gian cụ thể, ngắn hạn; bảo đảm mỹ quan, trật tự đô thị, an toàn giao thông… Theo đó, đối với tuyến đường tập trung kinh doanh buôn bán, thành phố sẽ dành một phần vỉa hè phục vụ cho nhu cầu của người dân. Trong đó, quy định rõ khu vực nào dành cho người đi bộ, vị trí nào được để xe, chỗ nào được làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.