Bảo đảm giải phóng mặt bằng nhanh chóng cho dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Xác định việc đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là rất cần thiết để kết nối các khu vực năng động nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian qua, cùng với Đồng Nai, tỉnh BR-VT đã có nhiều động thái tích cực để dự án sớm được triển khai. Xung quanh về vấn đề này, phóng viên Báo BR-VT đã cuộc trao đổi với ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT.
• Phóng viên: UBND tỉnh vừa trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và BR-VT. Ông có thể nói rõ hơn nội dung này?
- Ông Trần Thượng Chí: Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài tuyến qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; qua địa bàn tỉnh BR-VT khoảng 19,5km. Điểm đầu nối với tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP. Bà Rịa (Quốc lộ 51). Theo tính toán sơ bộ, tổng diện tích đất để xây cao tốc khoảng 588,5ha. Tổng mức đầu tư dự án hơn 19.000 tỷ đồng.
Dự án sẽ phân kỳ 4 đoạn, trong đó đoạn Biên Hòa - Long Thành có quy mô 4 làn xe; các đoạn Long Thành - Tân Hiệp, Tân Hiệp - Phú Mỹ cùng có quy mô 6 làn xe, đoạn Phú Mỹ - nút giao Quốc lộ 56 có 4 làn.
• Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn, trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thì việc huy động nguồn vốn cho dự án này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Để có thể sớm triển khai dự án, Bộ GT-VT đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp thuận cho đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đây là hình thức phù hợp trong giai đoạn hiện nay vì sẽ giảm gánh nặng và rủi ro cho ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn ngoài Nhà nước để xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vừa đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Tờ trình của UBND tỉnh BR-VT cũng nêu rõ phương án tài chính thanh toán vốn cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư thanh toán toàn bộ chi phí đầu tư, thực hiện đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình, chi phí hoạt động trong suốt thời gian khai thác dự án. Nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua thu phí theo biểu giá quy định của Nhà nước. Trạm thu phí đặt trên tuyến đường mở mới phải bảo đảm lợi ích cho người dân khi tham gia giao thông. Doanh thu thu phí để tính toán hoàn vốn cho dự án được xác định trên cơ sở dự báo lưu lượng xe. Thời gian thu phí dự kiến 24 năm 6 tháng. Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.
Tình trạng kẹt xe trên QL 51 sẽ được giải quyết khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi vào hoạt động. |
• Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong việc triển khai dự án là công tác giải phóng mặt bằng. BR-VT và Đồng Nai đã có sự phối hợp như thế nào để sớm triển khai dự án đúng tiến độ?
- Như đã nói ở trên, tổng mức đầu tư cho dự án khá lớn, hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đã hơn 5.900 tỷ đồng (Đồng Nai hơn 4.740 tỷ đồng và BR-VT hơn 1.245 tỷ đồng). Về cơ cấu vốn, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.770 tỷ đồng phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn 2 tỉnh và một phần chi phí xây lắp tại BR-VT. Nhà đầu tư huy động 12.242 tỷ đồng và nguồn tạm ứng ngân sách tỉnh BR-VT để chuẩn bị đầu tư dự án. Đây là số tiền lớn trong bối cảnh ngân sách của 2 tỉnh BR-VT và Đồng Nai đang phải cân đối bố trí cho các dự án hạ tầng giao thông của địa phương cũng như các dự án đầu tư khác. Cho nên, tại tờ trình BR-VT đã kiến nghị chuyển Bộ GT-VT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết thực hiện dự án.
Thời gian qua, BR-VT và Đồng Nai đã phối hợp thống nhất các phương án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành để có thể phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GT-VT và cơ quan nhà nước có thẩm quyền phối hợp 2 địa phương lập khung chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng phê duyệt triển khai thực hiện. Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, quý I/2023 dự án sẽ triển khai xây dựng, bàn giao và đưa vào khai thác năm 2025.
• Xin cảm ơn ông!
TRÀ NGÂN
(Thực hiện)