Đầu ra gặp khó, nông dân thất thu mùa nhãn

Chủ Nhật, 15/11/2020, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với tình hình mưa bão phức tạp trong thời gian qua đã khiến cho thị trường tiêu thụ cả trong nước lẫn xuất khẩu bị thu hẹp, giá nhãn vào vụ thu hoạch liên tục giảm mạnh. Nhiều nông dân cho biết, vụ nhãn năm nay thu không đủ chi.

Bà Phạm Thị Hương (ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc) cho biết, năm nay năng suất nhãn của gia đình giảm một nửa so với năm ngoái.
Bà Phạm Thị Hương (ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc) cho biết, năm nay năng suất nhãn của gia đình giảm một nửa so với năm ngoái.

NHÃN RỚT GIÁ KỶ LỤC

Hơn 1 tuần qua, nông dân trồng nhãn trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đứng ngồi không yên vì nhãn liên tục rớt giá, tiêu thụ khó khăn. Ông Trần Bình Dân, ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc cho biết: 10 ngày trở lại đây giá nhãn tiêu da bò liên tục giảm mạnh, chỉ còn 6.000 - 9.000 đồng/kg (tùy loại), thấp hơn so với vụ nhãn năm ngoái 5.000 đồng/kg. Theo ông Dân, với giá bán này, nông dân đang đứng trước nguy cơ thua lỗ rất cao, nhất là đối với những hộ phải đi thuê đất để canh tác. Theo tính toán của ông Dân, tiền thuê đất khoảng 40 triệu đồng/ha, chưa kể chi phí phân bón, chăm sóc và công lao động. Trong khi đó, nếu được đầu tư, chăm sóc tốt, năng suất đạt tối đa, 1ha nhãn có doanh thu 100 triệu đồng, với giá hiện nay, người trồng lỗ không dưới 10 triệu đồng/ha. 

“Năm nay giá thấp, chi phí thuê nhân công lại cao hơn năm ngoái 50 ngàn đồng/người nên càng lỗ nặng. Hiện với 2ha nhãn, tôi đang phải thuê 12 nhân công/ngày để thu hoạch, giá thuê cắt là 300.000 đồng/người/ngày; tỉa, đóng gói là 250.000 đồng/người/ngày”, ông Dân nói.

Ngay cạnh vườn nhãn ông Dân, bà Phạm Thị Hương cũng đang tranh thủ cắt nhãn bán. Bà Hương cho biết, gia đình đang trồng khoảng 1ha nhãn tiêu da bò, năm nay sản lượng nhãn chỉ bằng ½ so với năm ngoái. Năng suất giảm mạnh, cộng với giá bán xuống thấp khiến bà lo lắng. Với những hộ có diện tích nhỏ như gia đình bà, năm nay thương lái kén mua hơn, do vậy giá cũng bị đẩy xuống thấp, chỉ còn từ 7.000-7.500 đồng/kg. “Tôi trồng nhãn đã 7-8 năm nay, chưa năm nào giá thấp như năm nay. Với mức giá này, chúng tôi không đủ bù chi phí đầu tư. Không những giá thấp, việc tiêu thụ cũng khó khăn, do hàng ứ đọng, nên thương lái mua chậm và kén chọn hơn mọi năm rất nhiều”, bà Hương cho hay.

Ông Đoàn Như Anh, một thương lái đến từ Đồng Nai cho biết, chưa năm nào giá nhãn lại xuống thấp như hiện nay. Nói về nguyên nhân dẫn tới việc giá bị sụt giảm mạnh so với các năm trước, ông Anh cho hay, nhãn tiêu da bò là loại nhãn chủ yếu tiêu thụ tại thị trường miền Trung. Tuy nhiên, thời gian qua, miền Trung đang chịu ảnh hưởng của mưa bão, lượng mua giảm mạnh, trong khi đó hiện đang là thời điểm vụ mùa, dẫn tới nguồn hàng bị dội chợ do không tiêu thụ kịp. Ngoài ra, năm nay thị trường Campuchia, Trung Quốc… tiêu thụ cũng ít hơn so với các năm trước, lại thêm dịch COVID-19 nên nhãn không xuất khẩu được.

CẦN LIÊN KẾT SẢN XUẤT ĐỂ TRÁNH BỊ ĐỘNG

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trái cây BR-VT rơi vào tình cảnh rớt giá thê thảm. Còn nhớ, đầu năm 2020, bà con nông dân các xã Bông Trang, Bưng Riềng huyện Xuyên Mộc cũng đứng ngồi không yên vì thanh long giảm sâu, chỉ còn 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và 2.000- 3.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, thậm chí nhiều vườn còn không có người đến thu mua. Đã không ít lần các tổ chức, cá nhân phải đứng ra kêu gọi “giải cứu” nông sản trên địa bàn tỉnh vì không tiêu thụ được. 

Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) cho biết: Thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn diễn ra thường xuyên là do sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn yếu tố bất ổn. Trong khi đó, một bộ phận nông dân của tỉnh vẫn còn nặng tư tưởng tự cung, tự cấp, ít chú trọng đến nâng cao chất lượng cũng như giá trị của các loại sản phẩm, chưa thực sự coi trọng sản xuất theo hướng hàng hóa đối với các mặt hàng nông sản. Để hạn chế tình trạng đó, thời gian qua, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng các vùng chuyên canh tập trung nhằm phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời kêu gọi, tìm kiếm các DN, tổ chức trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

“Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các tổ chức, DN cùng tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để bà con nông dân có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất”, ông Đức cho biết thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.