TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM

Chìa khóa đi đến niềm tin của người tiêu dùng

Thứ Tư, 28/10/2020, 20:27 [GMT+7]
In bài này
.

Sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc (TXNG) là chìa khóa tạo niềm tin cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa... Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị triển khai hệ thống TXNG sản phẩm và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, áp dụng do Sở KH-CN tổ chức vào sáng 28/10.

Bơ Thái Dương là 1 trong số ít nông sản tại BR-VT đã được Sở NN-PTNT hỗ trợ thực hiện ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Bơ Thái Dương là 1 trong số ít nông sản tại BR-VT đã được Sở NN-PTNT hỗ trợ thực hiện ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Thông tin tại hội nghị, ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg về phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. Mục tiêu quan trọng của đề án là đến năm 2025, tối thiểu 30% các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống TXNG, áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống TXNG của DN trong nước và quốc tế. Thực hiện quyết định này, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số mặt hàng nông sản đã được gắn tem TXNG giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.

HTX Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây, ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có hơn 30ha hồ tiêu… là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng TXNG cho nông sản. Trung bình mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 200 tấn hạt tiêu và các sản phẩm được chế biến từ tiêu. Các sản phẩm được chế biến từ hạt tiêu Bầu Mây đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… với giá bán từ 250.000 đồng/kg tới 15 triệu đồng/kg. Với việc TXNG, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR của Bầu Mây, người tiêu dùng có thể biết được thông tin những hạt tiêu này được thu hoạch từ cây tiêu nào (theo đó, vùng trồng tiêu của Bầu Mây đều có hệ thống nhật ký điện tử theo dõi sự phát triển của cây trồng, từ lúc trồng cho đến từng mùa vụ thu hoạch), quá trình chăm sóc, thu hoạch, đóng gói cho đến khi bán ra thị trường và đến tay người tiêu dùng. Còn đối với nhà sản xuất, ứng dụng truy xuất nguồn gốc giúp quản lý nhật ký đồng ruộng điện tử chi tiết đến từng lô sản phẩm nên dễ dàng truy cứu, kiểm soát sản phẩm.

Khách hàng quét mã QR của sản phẩm đóng gói tiêu Bầu Mây.
Khách hàng quét mã QR của sản phẩm đóng gói tiêu Bầu Mây.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc đối ngoại HTX Bầu Mây cho biết, để có kết quả này, năm 2015, HTX đã bắt đầu xây dựng quy trình sản xuất theo hướng GlobalGAP. Sau 3 năm, 15ha hồ tiêu của HTX đã được cấp bằng chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đồng thời, ký kết hợp tác với HTX Nông nghiệp Số để phát triển tem, nhãn, quy trình TXNG và quản trị thương hiệu. Đây là bước ngoặt quan trọng để HTX xây dựng vùng nguyên liệu lớn, nâng tầm thương hiệu tiêu Bầu Mây. Trong năm 2019, HTX Bầu Mây đã xuất khẩu hơn 100 tấn hồ tiêu sang châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho biết, thời gian qua, Sở đã xây dựng và triển khai đề án quản lý, nhận diện và TXNG thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm thuộc dự án mô hình thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Mỗi con heo khi tham gia quá trình giết mổ sẽ đeo vòng nhận diện, chiếc vòng này được lưu trữ về trang trại nuôi, thương lái, thông tin về giết mổ, kiểm dịch… Sau khi giết mổ, từng miếng thịt sẽ được dán tem chứa các thông tin như trên. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét tem và biết được mọi thông tin về sản phẩm. Ông Mãnh cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2020, Sở sẽ tiếp tục triển khai các lớp tập huấn sử dụng phần mềm TE-FOOD truy xuất nguồn gốc cho cán bộ thú y, thương lái, cơ sở giết mổ, hộ chăn nuôi… Đồng thời bàn giao vòng nhận diện và tem truy xuất cho các đối tượng nêu trên.

Theo bà Bùi Thị Thu, Phó Trưởng Phòng Chế biến thương mại nông sản Sở NN-PTNT, trong năm 2020, Sở phối hợp với Trung tâm DN hội nhập và phát triển thuộc Hiệp hội DNNVV Việt Nam hỗ trợ cho 10 cơ sở xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG nông thủy sản, thông qua cổng thông tin TXNG của UBND TP. Hà Nội gồm các sản phẩm: nhãn xuồng cơm vàng, bơ Thái Dương, tiêu và sản phẩm từ tiêu, nấm đông trùng hạ thảo, thủy sản khô, mắm ruốc, cá thu một nắng, gạo, trứng chim cút. Đến nay đã hoàn thiện việc thu thập thông tin, thiết lập chương trình và in tem QR code. “Hiện đơn vị tư vấn đang hướng dẫn cơ sở cập nhật thông tin sản xuất và kích hoạt tem, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11. Đây là những cơ sở đầu tiên trong việc thực hiện một cách bài bản, áp dụng hiệu quả quản lý TXNG nông sản tại BR-VT”, bà Thu cho biết.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là theo dõi, nhận diện được sản phẩm của một cơ sở sản xuất bất kỳ qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Hay nói cách khác nó chính là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại sản phẩm có mặt trên thị trường như: tên sản phẩm, giá cả, tên DN sản xuất hay nguồn gốc nguyên liệu tạo ra sản phẩm... Đồng thời có thể thông qua giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối để người tiêu dùng tự mình đánh giá về chất lượng sản phẩm.
Hiện nay việc sử dụng tem TXNG trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác. Qua đó, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem TXNG. Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn bảo đảm tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã TXNG.

Cũng theo bà Thu, thông qua hệ thống TXNG, DN có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời sự cố xảy ra đối với sản phẩm, đồng thời giúp xác định và khoanh vùng chính xác sản phẩm có vấn đề thực hiện kịp thời các hành động thu hồi hoặc loại bỏ sản phẩm khỏi chuỗi cung ứng. Để triển khai TXNG có hiệu quả, Sở NN-PTNT đề xuất một số giải pháp như: Ban hành quy định, hướng dẫn về quản lý TXNG hàng hoá theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; tuyên truyền, phổ biến đến cơ sở sản xuất người tiêu dùng về lợi ích của việc áp dụng hệ thống TXNG…

Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng truy tìm được nguồn gốc sản phẩm nhờ ứng dụng mã QR. Ảnh: QUANG VŨ
Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng truy tìm được nguồn gốc sản phẩm nhờ ứng dụng mã QR. Ảnh: QUANG VŨ

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.