TRƯỚC NGÀY 30/10

Các bộ, ngành, địa phương phải có ý kiến về dự án Cao tốc Biên Hòa - Vùng Tàu

Thứ Sáu, 23/10/2020, 20:19 [GMT+7]
In bài này
.

* Bộ GT-VT ủng hộ nhiều dự án giao thông quan trọng của BR-VT

Bộ GT-VT ủng hộ BR-VT nghiên cứu quy hoạch cảng tàu khách quốc tế tại khu vực Bãi Trước.
Bộ GT-VT ủng hộ BR-VT nghiên cứu quy hoạch cảng tàu khách quốc tế tại khu vực Bãi Trước.

Ngày 23/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành và UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị có ý kiến về Tờ trình số 174/TTr-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh BR-VT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và BR-VT, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 30/10 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Theo Tờ trình số 174/TTr-UBND ngày 20/10/2020 của UBND tỉnh BR-VT, dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo hình thức PPP (hợp đồng BOT). Dự án có tổng chiều dài 53,7km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 34,2km và 19,5km qua tỉnh BR-VT. Điểm đầu nối với tuyến tránh QL1A đoạn tránh TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với đường vành đai TP. Bà Rịa (QL 56).

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai góp phần giải tỏa áp lực giao thông trên Quốc lộ 51.
Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được triển khai góp phần giải tỏa áp lực giao thông trên Quốc lộ 51.

Dự án xây dựng 7 nút giao liên thông, 13 cầu vượt dòng chảy, 4 cầu vượt đường ngang và 19 cầu đường ngang vượt đường cao tốc.

Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng dự án khoảng 588,5ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 19.012 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 9.115 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.985 tỷ đồng. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, BR-VT và Đồng Nai sẽ phối hợp lập khung chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện.

Về cơ cấu vốn, ngân sách Trung ương hỗ trợ 6.770 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động 12.242 tỷ đồng và vốn tạm ứng từ ngân sách tỉnh BR-VT cho công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Tờ trình cũng nêu rõ phương án tài chính thanh toán vốn cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư thanh toán toàn bộ chi phí đầu tư, thực hiện đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình, chi phí hoạt động trong suốt thời gian khai thác dự án. Nhà đầu tư thu hồi vốn thông qua thu phí, mức thu phí theo biểu giá quy định của Nhà nước. Trạm thu phí đặt trên tuyến đường mở mới phải đảm bảo lợi ích cho người dân khi tham gia giao thông.

Doanh thu thu phí để tính toán hoàn vốn cho dự án được xác định trên cơ sở dự báo lưu lượng xe. Thời gian thu phí dự kiến 24 năm 6 tháng (sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán; ký kết hợp đồng dự án). Hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Dự kiến sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, quý I/2023 dự án sẽ triển khai xây dựng, bàn giao và đưa vào khai thác năm 2025.

* Cùng ngày, đại diện Sở GT-VT cho biết, Bộ GT-VT vừa có văn bản truyền đạt ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh BR-VT về một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. 

Theo đó, Bộ GT-VT ủng hộ BR-VT nghiên cứu quy hoạch xây dựng cảng tàu khách quốc tế tại khu vực Bãi Trước (TP.Vũng Tàu). Bộ GT-VT giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với BR-VT nghiên cứu kỹ vị trí phù hợp, thuận lợi trong việc tiếp cận luồng lạch và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Trường hợp Bãi Trước có đủ điều kiện làm cảng tàu khách phải khẳng định bằng văn bản và chỉ làm một cảng tàu khách duy nhất.

Về dự án đầu tư xây dựng sân bay Gò Găng, Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương xây dựng sân bay mới tại Gò Găng vào năm 2019. Bộ GT-VT sẽ có ý kiến thống nhất khi được Bộ Quốc phòng lấy ý kiến việc mở sân bay chuyên dụng Gò Găng.

Đối với dự án sân bay Côn Đảo, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ GT-VT phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Côn Đảo để UBND tỉnh BR-VT cập nhật vào quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, theo quy định mới của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) yêu cầu phải bố trí dải bảo hiểm dài 60m tại hai đầu đường cất hạ cánh (RESA) dẫn tới có thể phải điều chỉnh quy hoạch lấn biển 120m. Bộ GT-VT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, phân tích trên cơ sở khoa học và báo cáo đề xuất giải pháp phù hợp. Trên cơ sở kết quả tính toán của đơn vị tư vấn, phương án lấn biển để đảm bảo tiêu chuẩn của ICAO là không khả thi, vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam thông báo với ICAO và công bố RESA tại Cảng Hàng không Côn Đảo nằm trong danh mục không áp dụng.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GT-VT xem xét phê duyệt quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Côn Đảo vào cuối tháng 10/2020. 

Về dự án tuyến tránh QL56 - TP. Bà Rịa, nguồn vốn Trung ương bố trí đến nay là 170/433,4 tỷ đồng. Bộ GT-VT sẽ ưu tiên cân đối bố trí 263,4 tỷ đồng vốn Trung ương còn thiếu trong kế hoạch trung hạn 2021- 2025, trong đó năm 2021 bố trí 80 tỷ đồng, phần còn lại sẽ bố trí trong năm 2022 trình cấp có thẩm quyền để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án. 

Đối với dự án cầu Phước An, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cân đối bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án 2.434 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để BR-VT triển khai và hoàn thành dự án cầu Phước An theo đúng tiến độ. Bộ GT-VT sẽ phối hợp chặt chẽ với BR-VT trong quá trình thực hiện.

ĐĂNG KHOA

;
.