Từ những nguyên liệu quen thuộc là quả nho rừng, lá tràm gió… nhiều phụ nữ ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc mạnh dạn nghiên cứu sản xuất để tạo nên những sản phẩm hữu ích, có công dụng thiết thực trong cuộc sống. Qua đó, không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ khác.
Chị Trang giới thiệu sản phẩm tinh dầu tràm tại cửa hàng Mẹ và Bé Ngọc Mai. |
Hơn 5 năm qua, đều đặn từ tháng 8 đến hết tháng 10, ngôi nhà của chị Trần Thị Vân (ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) trở nên đông đúc hơn. Từ 8 giờ sáng, 10 hội viên phụ nữ có mặt tại nhà chị Vân tất bật lượm, nhặt, phân loại nho rừng cho vào từng sọt lớn để mang đi rửa sau đó phơi ráo nước để ủ thành rượu. Công việc thời vụ này tạo thu nhập ổn định cho các chị em từ 180 đến 200 ngàn đồng/người/ngày công.
Chị Vân cho biết, trong một lần tình cờ xem trên facebook và biết được nho rừng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, cải thiện hệ tim mạch, tiêu hóa chị nảy sinh ý định chế biến các sản phẩm từ nho rừng. Vì vậy tận dụng trái nho rừng ở địa phương có nhiều mà chưa ai biết khai thác cùng với việc tìm tòi, học hỏi chị bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Từ làm chơi cho gia đình sử dụng đến biếu bạn bè, rượu nho của chị làm ra nhận được nhiều lời khen. Nhiều người sau khi dùng thử đã đặt mua về biếu cho bạn bè, gia đình sử dụng. Đó cũng là động lực giúp chị quyết định triển khai mô hình chế biến rượu nho rừng. Chị chia sẻ: “Hiện tại, tôi đã chế biến thành công nhiều loại thức uống từ nho rừng như: Rượu vang, rượu nhẹ, si rô nho. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn 20 triệu đồng”.
Nói về cách chế biến rượu nho rừng, chị Nguyễn Thị Bình (tổ 7, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp), là thành viên Hội LHPN xã Hòa Hiệp làm công việc thời vụ tại nhà của chị Vân cho biết: “Để rượu nho rừng thơm ngon, bảo đảm chất lượng thì công đoạn quan trọng nhất là phân loại và phơi. Khi phân loại phải loại bỏ những trái bị hỏng, dập, để không ảnh hưởng đến quá trình lên men tự nhiên của thức uống. Nho sau khi được chọn lọc sẽ được rửa sạch, phơi trên nền lót vải mềm, dùng quạt hong ráo nước sau đó cho nho vào hũ hoặc can nhựa lớn, tuần tự 1 lớp nho, 1 lớp đường phèn hoặc đường nâu; bịt kín miệng để ủ. Sau 1 tháng có thể mang ra sử dụng, rượu nho rừng bảo quản trong môi trường thoáng mát trên 1 năm vẫn sử dụng được”.
Theo anh Ngô Xuân Phú (ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp), một người thường xuyên lên rừng hái nho rừng mang bán cho cơ sở sản xuất rượu nho rừng của chị Vân, ngày thường làm phụ hồ công việc bấp bênh, từ ngày có cơ sở sản xuất rượu nho của chị Xuân, chịu khó len lỏi vào rừng hái trái, bình quân mỗi ngày anh hái được khoảng 50kg nho rừng bán được hơn 600 ngàn đồng, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Chị em phụ nữ nhặt, phân loại nho rừng tại cơ sở sản xuất nho rừng của chị Trần Thị Vân. |
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ấp Phú Hòa, xã Hòa Hiệp) nhận thấy dầu tràm được đa số các chị em sử dụng cho trẻ em có nhiều công dụng tốt, thiết thực như kháng khuẩn, trị ho, tránh gió, chống cảm lạnh, chống nấm da ở trẻ em và giảm đau ở người lớn. Cùng với việc có người thân ở tỉnh Quảng Nam tự chiết xuất tinh dầu tràm để sử dụng và mang bán tạo được uy tín, chị mày mò học hỏi để làm theo. Tháng 2/2019, sau nhiều lần nấu thử từng nồi nhỏ cho gia đình sử dụng, được sự hỗ trợ, giới thiệu của Hội LHPN xã Hòa Hiệp, chị mạnh dạn vay vốn từ nhiều nguồn được 60 triệu đồng để mua trang thiết bị, thuê nhân công chọn lựa hái lá tràm gió về để nấu số lượng lớn bán ra thị trường.
Lá tràm gió tự nhiên sau khi hái về được rửa sạch, cho vào nồi lớn, đậy kín nắp vung. Giữ lửa đun liên tục từ 8 đến 10 tiếng để thu tinh dầu nhỏ giọt từ nồi nấu qua hệ thống ngưng tụ chiết ra ngoài. “Bình quân 150kg lá tràm gió sau quá trình nấu thu được gần 1 lít tinh dầu tràm. Do đặc trưng của vùng đất nơi đây nên tinh dầu tràm sau khi chiết ra có màu đỏ sậm sóng sánh, mùi thơm nồng rất dễ chịu”, chị Trang cho biết.
Để giữ thương hiệu tinh dầu tràm gió, chị mang sản phẩm lên Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TP. Hồ Chí Minh) để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Qua đó, sản phẩm “Tinh dầu tràm gió Nina” của chị được công nhận đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng an toàn. Sau khi được chứng nhận chất lượng sản phẩm, chị đến UBND huyện Xuyên Mộc hoàn thiện giấy chứng nhận kinh doanh cho sản phẩm của mình. Bao bì sản phẩm “Tinh dầu tràm gió Nina” được đầu tư kỹ lưỡng, công phu và đóng vào chai thủy tinh có dung tích 10, 30, 50 và 100ml tiện cho người sử dụng.
Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN xã Hòa Hiệp đã đăng ký với cấp ủy chính quyền địa phương giúp đỡ 3 hộ gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo; duy trì 55 tổ phụ nữ tiết kiệm/854 tổ viên, huy động được số tiền gần 1,8 tỷ đồng cho 110 chị vay vốn
sản xuất.
|
Từ việc tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp đến nay chị Trang không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho những người khác. Chị Trần Cẩm Tú, chủ cửa hàng Mẹ và Bé Ngọc Mai (ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp) cho biết, sau khi dùng thử tinh dầu tràm gió chị rất thích và mạnh dạn nhập hàng về bán. “Sản phẩm tinh dầu tràm Nina tại cửa hàng tôi bán rất chạy vì giá cả phù hợp, chai 10ml chỉ 60.000 đồng nhưng sử dụng được lâu, mùi thơm nồng dễ chịu và sản xuất tại địa phương, bảo đảm an toàn”, chị Tú cho biết.
Bài, ảnh: MAI NGỌC