Làm gì để đưa thương hiệu “Muối Bà Rịa” vươn xa và khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” là nội dung được quan tâm tại hội nghị tổng kết niên vụ muối 2019-2020 và triển khai niên vụ 2020-2021 diễn ra vào sáng 21/10, do Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức.
Niên vụ muối 2019-2020, việc tiêu thụ gặp khó khăn khiến hàng ngàn tấn muối vẫn còn tồn đọng. |
HÀNG NGÀN TẤN MUỐI TỒN KHO
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, niên vụ muối 2019-2020, toàn tỉnh sản xuất 698ha, trong đó diện tích truyền thống là 663ha và muối trải bạt là 35ha, sản lượng đạt hơn 62.000 tấn. Năng suất bình quân muối truyền thống đạt khoảng 70-75 tấn/ha, muối trải bạt đạt khoảng 120-150 tấn/ha.
Như vậy, diện tích sản xuất muối trên địa bàn tỉnh những năm gần đây liên tục bị giảm mạnh. Cụ thể, niên vụ muối 2015-2016 toàn tỉnh có gần 880ha muối, đến niên vụ muối 2016-2017 chỉ còn 827,7ha; niên vụ 2017-2018 là 804ha và đến nay chỉ còn 698ha. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sức tiêu thụ kém, giá muối đang giảm sâu, hiện ở mức 600-700 đồng/kg muối truyền thống và 700-900 đồng/kg muối trải bạt, giảm từ 400-600 đồng/kg so với những năm trước.
Hiện vẫn còn hàng ngàn tấn muối tồn đọng trên các ruộng muối, trong kho cất trữ do không tiêu thụ được. Điều này khiến không ít diêm dân lo lắng bởi theo kế hoạch, chỉ còn 2 tháng nữa sẽ bước vào vụ sản xuất mới, nếu không giải phóng được số muối tồn kho thì sẽ không có nơi để chứa muối của vụ tiếp theo.
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX muối Chợ Bến (ấp An Thạch, xã An Ngãi, huyện Long Điền) thông tin: HTX hiện nay có 17 xã viên đang canh tác 25ha, sản lượng trung bình 2.500 tấn/năm, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Trong niên vụ muối 2019-2020, sản lượng muối của HTX đạt trên 15.000 tấn, tuy nhiên lượng muối tồn đọng của HTX vẫn còn khoảng 9.000 tấn.
ĐỂ “MUỐI BÀ RỊA” VƯƠN XA
Hơn 50 năm trong nghề làm muối, cơ sở sản xuất muối của ông Nguyễn Văn Phúc, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu là đơn vị đầu tiên của tỉnh BR-VT được Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Muối Bà Rịa” vào năm 2014. Ông Phúc cho hay, trung bình mỗi năm ông sản xuất khoảng 3.000 tấn muối và thu mua trên 10.000 tấn, song thị trường chủ yếu vẫn là cung cấp cho Phú Quốc (Kiên Giang) để làm nước mắm.
Mặc dù mong muốn đưa thương hiệu “Muối Bà Rịa” vươn xa, tuy nhiên ông Phúc gặp phải trở ngại về mặt bằng xây dựng nhà máy chế biến và nhân công lao động. Ngoài ra theo ông Phúc, để vừa có thể sản xuất và chế biến, cần có sự liên kết đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên điều này chưa có đơn vị sản xuất muối nào trên địa bàn tỉnh làm được.
Đặt ra giải pháp nâng cao chất lượng muối trên địa bàn tỉnh, bà Cao Thị Diệu Thúy, đại diện HTX Hải sản Nguyên Phát (TP. Vũng Tàu), đơn vị đã có nhiều năm thu mua muối cho biết: Hàng năm, đơn vị thu mua tại các địa phương trên địa bàn tỉnh khoảng 300 tấn. Trong đó, một phần là bỏ sỉ cho các mối khác, phần còn lại đơn vị tiến hành ủ thảo dược để xuất bán ra nước ngoài. Vừa qua, đơn vị đã xuất bán 5 tấn muối ủ thảo dược sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
“Hạn chế lớn nhất là quy trình sản xuất muối tại BR-VT chưa tốt, khiến muối lẫn tạp chất nhiều. Để có thể xử lý muối thô, chi phí tăng lên khoảng 30%, điều này gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị thu mua muối trong việc cạnh tranh với các đơn vị sản xuất khác trong nước”, bà Cao Thị Diệu Thúy cho biết thêm.
Bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản cho biết, để phát triển thương hiệu “Muối Bà Rịa” trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng, chuyển giao các mô hình sản xuất muối ứng dụng khoa học công nghệ cho bà con diêm dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào. Chi cục cũng đang có kế hoạch làm việc và hợp tác chặt chẽ trong khâu tiêu thụ đối với các hộ, DN làm nước mắm tại Phú Quốc (Kiên Giang). Cùng với đó, tỉnh cũng đang xây dựng chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; đồng thời, liên kết cùng bà con diêm dân tìm kiếm thị trường.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU