Sớm gỡ vướng cho tàu dịch vụ hậu cần thủy sản

Thứ Sáu, 02/10/2020, 20:42 [GMT+7]
In bài này
.

Từ năm 2019 đến nay, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được đầu tư hàng chục tỷ đồng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đang phải nằm bờ vì thua lỗ. Nguyên nhân là do vướng các quy định Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019 của Chính phủ về thi hành một số điều Luật Thủy sản năm 2017, Thông tư số 47/2015 của Bộ Công thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển.

Tàu hậu cần dịch vụ của ông Châu Văn Nhỏ, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền buộc phải nằm bờ do làm ăn thua lỗ.
Tàu hậu cần dịch vụ của ông Châu Văn Nhỏ, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền buộc phải nằm bờ do làm ăn thua lỗ.

NẰM BỜ VÌ THUA LỖ

Năm 2016, gia đình ông Đỗ Hoa (ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đóng mới và hạ thủy tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 67), công suất 1.646CV, trị giá hơn 34,4 tỷ đồng để cung cấp nhiên liệu dầu, đá để bảo quản thủy sản đánh bắt được, vật tư, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm và thu mua thủy sản đánh bắt xa bờ. Trong đó, ông vay vốn ngân hàng 32,8 tỷ đồng, trả trong thời hạn 15 năm. Thế nhưng, khi tàu đi vào hoạt động, ông Hoa mới biết rằng, tàu dịch vụ hậu cần không được phép vận chuyển, kinh doanh xăng dầu mà chỉ được chở đá, vật tư, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm và thu mua thủy sản. “Năm 2019, tôi lỗ gần 2 tỷ đồng. Do không còn đủ chi phí để hoạt động nên hiện nay tàu phải nằm bờ. Tôi cũng phải viết đơn xin gia hạn thời gian trả nợ số tiền 1,2 tỷ đồng tiền gốc vay ngân hàng”, ông Hoa buồn bã cho biết.

Theo các quy định mới hiện nay, tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định 67 chỉ được phép vận chuyển ngư lưới cụ, thu mua hải sản và không được vận chuyển xăng dầu trên biển gây khó khăn cho ngư dân. Trong ảnh: Ngư dân vận chuyển cá từ tàu 67 lên bờ sau chuyến biển (ảnh minh họa).
Theo các quy định mới hiện nay, tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định 67 chỉ được phép vận chuyển ngư lưới cụ, thu mua hải sản và không được vận chuyển xăng dầu trên biển gây khó khăn cho ngư dân. Trong ảnh: Ngư dân vận chuyển cá từ tàu 67 lên bờ sau chuyến biển (ảnh minh họa).

Gia đình ông Châu Văn Nhỏ (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Năm 2017, tàu dịch vụ hậu cần công suất 1.446CV trị giá 35 tỷ đồng của gia đình ông bắt đầu vươn khơi. Trong 2 năm 2017, 2018, tàu được vận chuyển, kinh doanh xăng dầu nên mỗi chuyến biển ông vẫn có lãi và trả nợ ngân hàng theo đúng quy định. Nhưng kể từ khi phải thực hiện theo quy định mới, doanh thu từ các dịch vụ cung cấp đá cây, thực phẩm và vận chuyển hải sản không đủ bù vào chi phí cho các chuyến vươn khơi. Để giảm bớt rủi ro, từ tháng 11/2019 đến nay, ông buộc để tàu nằm bờ. Đồng thời, trong quý II và quý III năm 2020, gia đình ông liên tục phải viết đơn xin khất nợ gốc ngân hàng với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. “Nếu tàu dịch vụ không được phép vận chuyển, kinh doanh xăng dầu để bán lại cho các tàu cá khác trên biển thì chúng tôi không có khả năng ra khơi nữa. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh, của Trung ương sớm có hướng giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu dịch vụ hậu cần hoạt động có hiệu quả”, ông Nhỏ nói. 

Ngoài trường hợp 2 ngư dân kể trên, có 2 trường hợp khác là ông Võ Thành Bắc và Lê Đức Bảy có tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 từ năm 2017 đến nay hoạt động không hiệu quả.

NHIỀU QUY ĐỊNH CHƯA THỐNG NHẤT

Theo Sở NN-PTNT, việc hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu khai thác, đánh bắt và dịch vụ hậu cần thủy sản là chủ trương đáp ứng kịp thời nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân bám biển, hoạt động khai thác dài ngày. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc tăng hiệu quả chuyến biển, thúc đẩy kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh đang phải nằm bờ, ngừng hoạt động do vướng các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định 26/2019 của Chính phủ về thi hành một số điều Luật Thủy sản năm 2017, Thông tư số 47/2015 của Bộ Công thương về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển. 

Cụ thể, theo Thông tư 47/2015/TT-BCT thì điều kiện để các tàu dịch vụ hậu cần thủy sản được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển xăng dầu yêu cầu phải đặt, neo đậu cửa hàng xăng dầu trên mặt nước phải đúng quy định. Trong khi thực tế tàu dịch vụ hậu cần thủy sản của tỉnh chỉ cập bến trong một thời gian nhất định để xếp sản phẩm hải sản thu mua và lấy nguyên nhiên vật liệu, sau đó xuất bến, di chuyển thường xuyên liên tục trên biển.

Ngoài ra, theo Luật Thủy sản 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tàu dịch vụ hậu cần thủy sản không có chức năng cung cấp, vận chuyển xăng dầu trên biển.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có văn bản số 6252/UBND-VP và văn bản số 6253/UBND-VP kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT tháo gỡ vướng mắc về hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đóng mới theo Nghị định 67. Tuy nhiên, phía Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cho rằng, việc cấp giấy phép hoạt động kinh doanh xăng dầu cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh BR-VT vẫn phải tuân thủ theo các quy định pháp luật. Theo đó, việc cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công thương; trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước cần phải phù hợp quy định của Bộ GT-VT.

Chính vì chưa có sự thống nhất để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên, tại cuộc họp ngày 16/9, ông Lê Tuấn Quốc đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Công thương chủ trì tổng hợp các ý kiến của các sở, ngành và ngư dân, DN tham mưu UBND tỉnh để có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để có hướng giải quyết những vướng mắc này đối với tàu dịch vụ hậu cần đóng mới theo Nghị định số 67.

Ông Đinh Cao Thượng, Phó trưởng Phòng Quản lý nghề cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, BR-VT đã phê duyệt đóng mới, đưa vào hoạt động 9 tàu dịch vụ hậu cần thủy sản vỏ thép. Hầu hết các tàu được lắp trang thiết bị hiện đại, chiều dài thân tàu và máy chính của các tàu có công suất rất lớn, phương tiện nhỏ nhất dài 30m, công suất máy 1.200CV, phương tiện lớn nhất có chiều dài lên đến 60m, công suất máy chính 1.600CV. Tổng kinh phí đóng mới của 9 tàu này là 324 tỷ đồng; trong đó, ngư dân vay các ngân hàng thương mại để đầu tư đóng mới là 298 tỷ đồng.

Bài, ảnh: SONG HIẾU

;
.