Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng đang được nhiều nông dân áp dụng. Phương thức sản xuất sạch này hiện được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng, nhân rộng.
Mô hình trồng rau hữu cơ của ông Bùi Mình Hải (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) góp phần giảm thiểu tác hại tới môi trường, đặc biệt là nguồn nước. |
GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ của ông Bùi Mình Hải (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) rộng hơn 3.000m2, trồng các loại rau như cải, dền, mồng tơi, rau đay, rau thơm… Ngay từ khi bắt tay trồng rau, ông Hải xác định không chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế mà còn phải bảo đảm các yếu tố về an toàn. Do đó, thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng để chạy theo số lượng, ông tuân thủ nghiêm ngặt “6 không” (không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gien, không chất bảo quản). Ngoài ra, ông còn đầu tư hàng trăm triệu đồng làm hệ thống nhà màng để xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Hải, đối với sản xuất nông nghiệp thông thường, thuốc BVTV sau khi đưa vào sử dụng, ngoài hấp thụ vào cây, một phần thẩm thấu qua đất, phần lớn sẽ theo mưa trôi xuống các con sông, suối và ao, hồ, làm ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của người dân xung quanh.... Đối với quy trình trồng rau hữu cơ, hoàn toàn “nói không” với hóa chất, chỉ sử dụng phân trùn quế, phân bò, phân gà đã được ủ hoai mục kết hợp với xử lý nấm vi sinh Trichoderma để bón cho cây trồng. Trong trường hợp rau bị nhiễm bệnh, người trồng dùng các loại tỏi, gừng đem giã, trộn với rượu rồi phun cho cây, hoặc khoanh vùng để tiêu hủy. Do đó, không chỉ an toàn cho cả người sử dụng mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Hiện mỗi ngày ông Hải cung cấp cho thị trường 30-40kg rau các loại, bằng 1/2 sản lượng so với sản xuất thông thường, tuy nhiên, giá bán cao hơn từ 15-20 ngàn đồng.
Được biết đến là đơn vị thành công với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng (gọi tắt là RAS), HTX nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, TP. Bà Rịa cũng là một trong những đơn vị đi đầu về việc tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, không gây ô nhiễm.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, HTX nuôi tôm thâm canh theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, tôm thường xuyên bị dịch bệnh do không kiểm soát được nguồn nước, dẫn tới hiệu quả thấp. Trong quá trình nuôi tôm, lượng nước thải ra môi trường kéo theo các tạp chất trong quá trình nuôi, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước.
“Năm 2019, HTX đã đầu tư 5 tỷ đồng để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng công nghệ tuần hoàn nước trong nhà màng. Với công nghệ này, nước được đưa vào các ao xả, xử lý hóa chất, chảy qua các hàng lưới, lắng từ từ để loại các chất hữu cơ và kim loại nặng, sau đó được xử lý diệt khuẩn hoàn toàn trước khi cấp vào các ao nuôi. Nguồn nước thải ra từ các ao nuôi được tuần hoàn qua hệ thống ao lắng, hồ lọc. Sau khi đạt đủ điều kiện, nguồn nước này được đưa trở lại ao nuôi tái sử dụng” ông Chuyên cho biết thêm.
HƯỚNG TỚI NỀN NÔNG NGHIỆP SẠCH
Theo Sở NN-PTNT, việc sử dụng thuốc BVTV vào sản xuất nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên trong quá trình sản xuất, nhiều nông dân, DN đã lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích, sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng. Ngoài ra, chất thải trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được thải ra một cách bừa bãi cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, đặc biệt là gây ô nhiễm nguồn nước. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, nâng cao ý thức của nông dân. Trong đó, việc thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ... là việc làm đang được đẩy mạnh.
Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Cùng với chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, được triển khai nhiều năm qua, để giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chi cục đã triển khai thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU