Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, cũng là lúc hàng lậu, hàng giả có cơ hội trà trộn vào thị trường. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính Cục QLTT tỉnh tiến hành tiêu hủy 12.584 sản phẩm hàng hóa các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Đội QLTT đã phát hiện bắt giữ và tịch thu. Ảnh: Cục QLTT |
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT), tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là các mặt hàng như: xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…
Điển hình như trong quý III, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện vụ vi phạm về xâm phạm quyền đối với sản phẩm bia. Cụ thể, ngày 23/6/2020, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất Bia BIVA, tại địa chỉ 4, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa, do ông Vũ Tuấn Châu là chủ hộ kinh doanh. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM thành phẩm; 116.700 vỏ lon bia loại 330ml và 3.300 vỏ thùng bia.
Trên bao bì sản phẩm (gồm lon và vỏ thùng) đều thể hiện thông tin sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam. Trên lon bia thành phẩm và vỏ lon bia có in dấu hiệu “BIA SAI GON VIETNAM và hình khiên đứng”. Còn vỏ thùng bia thành phẩm và vỏ thùng giấy có in dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên khuyết” ở mặt trên của vỏ thùng và dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình con rồng” ở góc phải bên trên mặt của vỏ thùng. Các dấu hiệu ghi trên là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu BIA SAIGON đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.
Đội QLTT số 1 đã tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa ghi trên để tiếp tục xác minh và làm rõ. Do hồ sơ có dấu hiệu tội phạm nên Đội QLTT số 1 đã bàn giao toàn bộ hồ sơ về Cục QLTT tỉnh chuyển Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 9/9/2020, Công an tỉnh đã ban hành Quyết định số 85/QĐKTVA-CSKT quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Cũng qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chẳng hạn như vụ kinh doanh hàng gia dụng nhưng không có giấy chứng nhận kinh doanh, hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của Cửa hàng tạp hóa Online Famshop, TP. Vũng Tàu. Theo đó, Cục QLTT tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16,5 triệu đồng đối với chủ cửa hàng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc, tịch thu toàn bộ số hàng hóa là 3.608 sản phẩm hàng gia dụng các loại để xử lý theo quy định.
Theo dự báo của Cục QLTT tỉnh, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi, đặc biệt là những tháng cuối năm, dịp cận Tết. Do đó, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng trọng điểm như thuốc lá, xăng dầu, mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, túi xách, hàng điện tử gia dụng… Đồng thời, không để xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá làm bất ổn thị trường. Ngoài ra, Cục tiếp tục tổ chức công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm ATTP; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, các đơn vị liên ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm hiểu được tác hại của hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, góp phần cùng các cơ quan chức năng ngăn chặn các loại hàng hóa này xuất hiện trên thị trường.
Trong quý III/2020, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 607 vụ (tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó phát hiện 79 vụ vi phạm (tăng 126% so với cùng kỳ năm ngoái) với tổng số 166 hành vi vi phạm. Đã xử lý 80 vụ, chuyển sang kỳ sau 4 vụ với tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng (tăng 148% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, phạt hành chính hơn 516 triệu đồng; truy thu hơn 3,6 triệu đồng; trị giá hàng tịch thu hơn 1,57 tỷ đồng; tạm giữ 220 sản phẩm mỹ phẩm, 850 bao thuốc lá điếu…
|
ĐÔNG HIẾU