Sau gần 3 năm kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy, hải sản Việt Nam, lực lượng BĐBP, Hải quân, Cảnh sát Biển... đóng chân trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Qua đó, triển khai nhiều giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần nâng cao ý thức của ngư dân trong khai thác đánh bắt hải sản.
Ngư dân chuyển hải sản từ khoang tàu xuống để đưa đi tiêu thụ tại cảng Bến Đá (phường 5, TP. Vũng Tàu). |
NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG
BR-VT được coi là thủ phủ đánh bắt thủy hải sản của vùng Đông Nam bộ với hơn 5.800 tàu cá, trong đó có 3.000 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, đồng thời là nơi tập trung nhiều tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tại 12 cảng cá, 3 khu neo đậu tránh trú bão. Từ năm 2019 trở về trước, BR-VT luôn nằm trong “top” đầu những địa phương có số tàu và ngư dân đánh bắt trái phép bị nước ngoài bắt giữ. Trước những hệ lụy của “thẻ vàng” thủy sản, các đơn vị LLVT đóng chân trên địa bàn tỉnh và ngành NN-PTNT đã vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ trong cuộc chạy đua góp phần gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu. Vì vậy tình trạng này đã giảm đáng kể.
Ngư dân Trà Văn Hoành, chủ tàu cá BV 92244 TS (ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, nhờ được các cán bộ BĐBP tỉnh hướng dẫn, giải thích về các quy định trong đánh bắt trên biển, chỉ rõ trên bản đồ, nơi nào ngư dân Việt Nam không được phép đánh bắt nên mỗi năm, phương tiện của ông ra khơi đánh bắt 2 lần, mỗi lần kéo dài từ 3-5 tháng nhưng chưa lần nào vi phạm các quy định của pháp luật.
Đồn Biên phòng Phước Tỉnh được giao quản lý hơn 1.800 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có 800 phương tiện đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Long Điền. Nơi đây từng là điểm “nóng” về tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức hơn 10 buổi tuyên truyền nâng cao hiểu biết về các khuyến nghị của EC, thu hút hàng trăm ngư dân tham dự.
Thiếu tá Phạm Hồng Quân, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Tỉnh cho biết, mỗi khi có phương tiện ra khơi hoặc cập bến, cán bộ, chiến sĩ đều có mặt tại các cảng cá Phước Tỉnh để tuyên tuyền về các quy định trong đánh bắt hải sản trên biển... Ngoài ra, khoảng thời gian trên biển có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, hầu hết các phương tiện đánh bắt xa bờ trở về tránh trú, đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo khuyến nghị của EC về nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định pháp luật cho nhân dân thông qua loa phát thanh, tổ chức các hội nghị, hay đến tận từng hộ dân, phương tiện để tuyên truyền, phát tờ rơi...
Một trong những yếu tố then chốt mà BĐBP tỉnh cùng với ngành NN-PTNT đã và đang quyết tâm thực hiện để ngăn chặn đánh bắt trái phép là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 2.334/2.896 (đạt 82,5%) tàu cá có chiều dài trên 15m lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác ở vùng khơi, trong đó nổi bật là đội tàu có chiều dài trên 24m trở lên đã lắp đặt được 265/279 tàu (đạt hơn 95%). Theo đó, trước khi ra khơi, tàu cá phải trải qua 3 khâu kiểm tra. Đầu tiên là ở Chi cục Thủy sản, tiếp đến là các cảng cá sẽ rà soát thêm một lần nữa và khi tàu ra khơi vài hải lý, các Trạm, Đồn biên phòng sẽ kiểm tra để xác định tọa độ. Nếu phát hiện ngư dân tắt máy, một đội phản ứng nhanh sẽ tới tận nhà của chủ tàu yêu cầu người thân điện cho chủ tàu hoặc thuyền trưởng bật máy định vị, nếu không sẽ tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật.
Điển hình như Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đá, đơn vị quản lý khoảng 1.000 lượt phương tiện ra vào mỗi tháng tại khu vực cửa sông Bến Đình, TP.Vũng Tàu, trong đó có 762 phương tiện của ngư dân trong tỉnh, số còn lại là ngoài tỉnh. Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, nhất là các tàu cá hoạt động xa bờ, đơn vị kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá chưa lắp thiết bị, đồng thời thường xuyên kiểm tra, xác định tọa độ bảo đảm ngư dân không tắt máy.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, QUẢN LÝ CHẶT TÀU CÁ
BĐBP tỉnh tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho ngư dân TP.Vũng Tàu. |
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 335/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo đó, các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc như: tăng cường triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU bảo đảm có kết quả trên thực tế: kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cùng với các DN xuất khẩu thủy sản chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU. Các DN, tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng tiếp tay, dung túng, cố tình vi phạm các quy định về IUU phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định. Triển khai các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét gỡ “thẻ vàng”.
Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển; khoanh vùng các tàu có nguy cơ cao vi phạm để giám sát đặc biệt và xử lý mạnh mẽ tàu cá khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; giám sát tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và rà soát lại quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy, nhằm kiểm tra chặt chẽ nguồn nguyên liệu của các DN xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đã giao Công an tỉnh phối hợp với BĐBP tỉnh triển khai công tác nắm tình hình, xác minh, điều tra các vụ việc vi phạm liên quan đến tàu đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng: BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quân và Kiểm ngư phối hợp với các địa phương thực hiện liên tục và có hiệu quả công tác ngăn ngừa, xử lý tàu cá vi phạm. Theo đó, trong 9 tháng qua, riêng lực lượng BĐBP đã xử phạt 30 vụ/30 thuyền trưởng về hành vi không ghi đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.
Nhờ công tác tuyên truyền và xử lý mạnh tay, ý thức của ngư dân trong khai thác đánh bắt hải sản cũng đã được nâng lên rõ rệt.
|
Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho ngư dân, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm về khai thác IUU và tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu về các vùng biển được phép đánh bắt, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương ven biển tuyên truyền, áp dụng khoa học công nghệ quản lý tàu cá hiệu quả cao và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an toàn cho ngư dân khai thác trên vùng biển chủ quyền. Cùng với đó, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo cụ thể, quy trách nhiệm đến từng Đồn, từng cán bộ, chiến sĩ tại cơ quan, đơn vị, nếu ai không thực hiện nghiêm công tác kiểm soát ở các cảng cá sẽ thực hiện kỷ luật theo quy định của quân đội.
Bài, ảnh: MINH NHÂN