Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, nhằm đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Tại BR-VT trong nhiều năm trở lại đây, các DN đã thực hiện mô hình KTTH để hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ) vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo. |
GIẢM THIỂU RÁC THẢI
Tại nhà máy Heineken Việt Nam, các tiêu chí môi trường được đặt lên hàng đầu, 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế. Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam, để góp phần phòng chống biến đổi khí hậu, đơn vị chủ động thực hiện KTTH, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững.
Hiện 5/6 nhà máy sản xuất của Công ty Heineken đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo, gần như không còn thực hiện việc chôn lấp chất thải và phế phẩm. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần và một két bia có thể tái sử dụng trong 5-10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa.
Năm 2019, công ty thu mua 40.000 tấn vỏ trấu và các chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất đã mang lại thu nhập 52,6 tỷ đồng cho người dân. Đồng thời cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải CO2 nhờ việc tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn Euro 4 và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa.
Riêng tại Nhà máy Bia Heineken Việt Nam - Vũng Tàu (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ) vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo. Bã hèm và men thừa đều được tái sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi; các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế. 100% nước thải của nhà máy đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn, sử dụng cho mục đích tưới cây và làm vệ sinh tại các nhà máy.
Trong khi đó, đầu tháng 2/2020, Tập đoàn SCG - chủ đầu tư Tổ hợp hóa dầu miền Nam đã cùng với Công ty Dow Việt Nam, Unilever Việt Nam và Bộ TN-MT ký kết hợp tác công tư xây dựng KTTH trong quản lý rác thải nhựa. Tham gia hợp tác, SCG đặt mục tiêu sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.
SCG là một trong những tập đoàn còn tiên phong trong việc áp dụng mô hình KTTH vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Với 3 ngành kinh doanh chính là hóa dầu, xi măng, vật liệu xây dựng và bao bì, hiện SCG đang tập trung giảm sử dụng vật liệu và tăng độ bền vật liệu, từ đó giúp giảm lượng tài nguyên sử dụng trong sản xuất. Tất cả hướng đến tái sử dụng và tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng thay vì dùng các nguồn tài nguyên mới.
VÌ MỘT TƯƠNG LAI XANH
Với mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh BR-VT luôn có sự chọn lọc trong thu hút đầu tư. Cùng với mục tiêu nhất quán phát triển công nghiệp theo chiều sâu, trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, BR-VT chỉ thu hút những dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa, thân thiện với môi trường. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 398 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 28 tỷ USD và 590 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 296 ngàn tỷ đồng. Ngược lại, trong quá trình đầu tư tại BR-VT, nhiều dự án đã tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Đơn cử như tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ), bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết, hiện công ty đang xây dựng KCN với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc tế và thân thiện với môi trường. KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã xây dựng và hình thành chuỗi “cộng sinh công nghiệp”. Đó là việc các DN hợp tác với nhau để trao đổi chất thải hoặc năng lượng thừa. Những thứ thải ra của DN này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho DN kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho DN “hàng xóm”. Ví dụ như Nhà máy xử lý bụi lò thép Zinc Oxide, với chức năng tái chế bụi lò thép để sản xuất oxit kẽm (HZO, loại 65%) có thể thay thế kẽm cô đặc, đã góp phần giúp BR-VT giải quyết được bài toán xử lý bụi lò thép phát sinh tồn tại nhiều năm nay mà chưa có giải pháp xử lý. Nhà máy còn sản xuất oxit kẽm có độ tinh khiết cao được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất lốp xe hơi, gốm sứ tại thị trường nội địa và quốc tế.
Đặc biệt, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được JICA lựa chọn làm KCN kiểu mẫu - KCN sinh thái nằm trong chương trình “Sáng kiến phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh BR- VT - PBEG”. Đây là chương trình được tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ với 3 mục tiêu lớn, đó là tăng gấp đôi GDP sau 15 năm, đưa BR-VT thành tỉnh tiên tiến về tăng trưởng xanh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trung tâm logistics quốc tế.
Bài ảnh: HÀ LINH