Với tốc độ lây lan nhanh chóng, hàng ngàn ha khoai mì trên địa bàn các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức… đang bị nhiễm bệnh khảm lá, gây thiệt hại lớn cho người trồng.
100ha trồng khoai mì của hộ ông Nguyễn Văn Thành (ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) bị nhiễm bệnh khảm lá trên 80%. |
LÂY LAN TRÊN DIỆN RỘNG
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành (ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) đang trồng 100ha khoai mì, với các loại giống HL-S11, KM140, tai đỏ… chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ tới vụ thu hoạch. Thế nhưng, hơn 1 tháng qua, bắt đầu xuất hiện các vết khảm màu trắng, vàng hoặc xanh nhạt nằm rải rác khắp mặt lá, phiến lá bị cong vênh, biến dạng. Hiện toàn bộ diện tích này đều đã bị nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ nặng, tỷ lệ nhiễm bệnh 80%.
Ông Thành cho biết, gia đình ông thuê 100ha để trồng khoai mì từ nhiều năm nay, tiền thuê đất 12 triệu đồng/ha/năm, cộng với các khoản giống, phân, thuốc, công làm, tổng chi phí lên đến 20-25 triệu đồng/ha. Nếu khoai mì phát triển tốt, năng suất trung bình đạt 27 tấn/ha, sau khi trừ chi phí ông lãi gần 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh khảm lá bùng phát mạnh như năm nay thì không đủ bù vào chi phí.
Điều đáng nói là đây không phải vụ đầu tiên khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá. Theo ông Thành, năm 2018 vườn khoai mì nhiễm bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp, khoảng 5-10%, đến năm 2019 tỷ lệ nhiễm là 10-20% thì năm nay tăng lên 80%, tốc độ lây lan của bệnh rất nhanh. Nguyên nhân có thể do gia đình ông sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh được mua từ Tây Ninh - địa phương có diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá lớn. “Bệnh này chưa có thuốc chữa, chỉ có thể phát hiện sớm và tiến hành tiêu hủy may ra mới tránh lây lan sang cây khác. Cây bị nhiễm bệnh nặng khiến năng suất và lượng tinh bột trong củ khoai mì còn lại khoảng 40%, giá bán cũng giảm 50% nên năm nay vụ khoai mì gần như mất trắng”, ông Thành buồn rầu nói.
Thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho thấy, trên địa bàn huyện có 3.274ha trồng khoai mì, tập trung chủ yếu tại các xã Tân Lâm, Bưng Riềng, Hòa Hiệp, Hòa Bình… Đến thời điểm này, đã có hơn 1.000ha trồng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá, với tỷ lệ nhiễm từ 10-90%. Đây là địa phương có số diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá lớn nhất của tỉnh.
Tại huyện Châu Đức, bệnh khảm lá cũng đã lây lan tới 60ha diện tích trồng, trong đó 18ha bị nhiễm nặng. Gia đình ông Võ Văn Dương (ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã) có 4.000m2 trồng khoai mì đang trong giai đoạn nuôi củ. Tuy nhiên, đến nay vườn khoai mì của gia đình ông đã bị nhiễm khảm lá, với tỷ lệ khoảng 95%. Ông rất lo lắng, bởi với tình hình này nguy cơ gia đình ông mất trắng vụ mì là rất cao.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, người trồng khoai mì tuyệt đối không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh, cần biết rõ nguồn gốc xuất xứ của giống và không sử dụng giống ở khu vực đã nhiễm bệnh cho vụ sau. Thường xuyên thăm đồng, nhất là giai đoạn đầu (mới đặt hom đến 2,3 tháng sau trồng), bọ phấn trắng thường ẩn náu ở mặt dưới lá, nếu phát hiện cây bệnh lập tức nhổ bỏ và tiêu hủy ngay đồng thời phun thuốc phòng trừ; dùng cồn 70 độ khử trùng các dụng cụ canh tác. Bà con nông dân cần chú ý trong lúc thu gom giống và chất thành bó chuẩn bị cho vụ sau thì một số mầm mì sẽ nảy ra trước thu hút bọ phấn trắng. Vì vậy cần phun thuốc ngừa xử lý khi chuẩn bị hom giống với các sản phẩm như: Brimgold 200WP liều lượng từ 14g/16 lít nước hoặc Osago 80WG liều lượng 10g/16 lít nước. |
CẨN TRỌNG TỪ KHÂU CHỌN GIỐNG
Tính đến thời điểm tại, toàn tỉnh đã có gần 1.200ha/7.354ha diện tích trồng khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá, hầu hết số diện tích này đang trong giai đoạn nuôi củ, với tỷ lệ nhiễm từ 30% trở lên, cơ quan chức năng đã tiêu hủy khoảng 8,5ha. Trong đó Xuyên Mộc vẫn là địa phương có số diện tích bị nhiễm nặng nhất trên toàn địa bàn tỉnh. Năm nay diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Nếu như năm 2018, diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá là 133ha, năm 2019, diện tích bị nhiễm 60ha, thì nay đã tăng lên chóng mặt. Bệnh khảm lá hiện không có thuốc để phòng trừ, tốc độ lây lan rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến năng suất của khoai mì.
Bà Vũ Thị Quý Trang, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (BVTV), Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Bệnh khảm lá khoai mì là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ, lan truyền qua trung gian là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá khoai mì là khảm vàng loang lổ trên lá, mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ, mức độ hại nặng làm cho lá xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Hiện Chi cục Trồng trọt và BVTV đang hướng dẫn người dân ngoài nhổ bỏ, tiêu hủy khi phát hiện khoai mì mắc bệnh nặng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tình hình buôn bán, sử dụng giống mì, không vận chuyển thân lá mì ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát việc vận chuyển thân lá mì trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến. “Chi cục đã vận động, tuyên truyền bà con nông dân không trồng các loại giống có nguy cơ mắc bệnh cao như HL-S11, HL-S12, thay vào khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140”, bà Trang cho biết thêm.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU