Thu tiền tỷ từ mô hình nuôi cá rô phi Philippines

Thứ Tư, 30/09/2020, 20:40 [GMT+7]
In bài này
.

Với đặc tính là loại cá dễ nuôi, lớn nhanh, chi phí đầu tư không cao, mô hình nuôi cá rô phi Philippines đang mang lại hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình ông Phạm Văn Phong (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc).

Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm của ông Phạm Văn Phong (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá rô phi thương phẩm của ông Phạm Văn Phong (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Khi huyện có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các hình thức canh tác khác, vợ chồng ông Phạm Văn Phong quyết định đào ao thả cá rô phi trên diện tích ao nuôi rộng 11ha. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật, cá chậm lớn, đầu to, ít thịt, thường xuyên mắc bệnh. Năm 2013, ông Phong tìm hiểu về giống cá rô phi Philippines và bắt đầu chuyển sang nuôi loài cá này. Đây là giống cá nhập ngoại, thịt cá dày, không có xương giăm, chất lượng thơm ngon. So với cá rô phi thông thường, giống cá Philippines có tốc độ tăng trưởng nhanh, trọng lượng lớn và thị trường tiêu thụ tốt.

Hiện với 11 ao nuôi và 2 ao giống, mỗi lần gia đình ông thả khoảng 20.000 con giống, sau 5 tháng nuôi, cá đạt trong lượng 1,3 kg/con, có thể xuất bán. Với hình thức nuôi gối đầu, một năm ông Phong có thể nuôi được khoảng 8 lứa, năng suất đạt 300 tấn/năm. Hiện cá rô phi có giá bình quân 30.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Phong thu về khoảng 9 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi 3,3 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói là toàn bộ cá sau khi thu hoạch đều được xuất bán sang thị trường Mỹ.

Nói về kinh nghiệm nuôi cá rô phi, ông Phong cho biết, giống cá Philippines rất dễ nuôi, không tốn thời gian chăm sóc. Mỗi tháng, cá tăng thêm 2gram, với lượng thức ăn khoảng 1,2kg cám viên nổi thì cá sẽ đạt trọng lượng 1kg. Để có tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, phải làm tốt quá trình xử lý môi trường ao nuôi và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Ao nuôi được thay nước định kỳ 1 tháng/lần. Tuy nhiên, khi cá phát triển, cặn bã thức ăn thải ra nhiều thì thay nước liên tục. Hệ thống dẫn nước và thoát nước riêng biệt, tạo thuận lợi cho việc dẫn, thải nước dọc theo kênh mương ruộng đồng. Ông Phong cũng sử dụng công nghệ xử lý men vi sinh để vệ sinh ao. Vì vậy, 11ha mặt nước luôn trong, tạo môi trường cho cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Ngoài ra, sau mỗi một chu kỳ nuôi, ông Phong tiến hành phơi đáy, khử trùng bằng vôi bột và xử lý nước qua túi lọc, tiến hành diệt tạp… để bảo đảm môi trường nước ở lứa cá tiếp theo, tránh mầm bệnh gây hại. Tuy nhiên, giống cá rô phi Philippines thường mắc bệnh Streptococus, biểu hiện lồi mắt, xuất huyết vây, nắp mang. Cá vận động khó khăn, bơi không định hướng, nội tạng tổn thương dẫn đến cá chết. Đây cũng chính là khó khăn lớn trong quá trình nuôi, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Để khắc phục tình trạng cá nhiễm bệnh, ông Phong sử dụng tỏi xay nhuyễn, trộn với cám viên dạng nổi cho cá ăn định kỳ 2,3 lần/tháng, vừa phòng bệnh, vừa giúp hệ tiêu hóa của cá phát triển. Nhờ những kỹ thuật đó mà cá nuôi không bị nhiễm bệnh, tăng trưởng nhanh.

Dễ nuôi, thích hợp với điều kiện tự nhiên tại BR-VT, nhất là các địa phương như Xuyên Mộc, Châu Đức, lại có cơ hội xuất khẩu, nuôi cá rô phi Philippines là mô hình đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội kiếm bộn tiền cho nông dân. Ông Bùi Đức Viễn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp cho biết: Qua mô hình nuôi cá rô phi tại địa phương, có thể thấy rõ hiệu quả từ việc chuyển đổi đất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên về lâu dài, nếu nông dân muốn nhân rộng mô hình này thì cần có sự liên kết chặt chẽ với các DN chế biến để tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.