Nuôi lươn thương phẩm đang được đánh giá là mô hình hiệu quả, ít tốn công chăm sóc, giá cả thị trường ổn định, dễ tiêu thụ. Do đó, năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Phúc (ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) đã đầu tư kinh phí xây bể xi măng, đan sạp tre làm giá thể, mua 3.000 con lươn giống để phát triển mô hình này.
Ông Nguyễn Ngọc Phúc với mô hình nuôi lươn thương phẩm của gia đình. |
Ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết, trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng tiêu và điều. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tiêu rớt giá, cùng với việc không được đầu tư chăm sóc, vườn tiêu trở nên cằn cỗi, năng suất thấp. Năm 2018, ông Phúc tình cờ biết tới mô hình nuôi lươn sạch, không bùn (nuôi trong bể xi măng) tại huyện Đất Đỏ cho hiệu quả cao, ông quyết định chuyển đổi, chặt bỏ cây tiêu, chuyển sang nuôi lươn thương phẩm trên diện tích 3.500m2. Đồng thời tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn học tập kinh nghiệm nuôi lươn và vay vốn để xây dựng mô hình.
Lứa đầu tiên ông Phúc thả khoảng 3.000 con giống (giá 5.000 đồng/con), sau 3 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt hơn 90%, thu hoạch được 600kg. Với giá bán trung bình 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông có hơn 50 triệu đồng tiền lãi. “Lươn mỗi năm có thể nuôi 2-3 lứa, nếu nuôi gối đầu có thể thu nhiều lần trong năm. So với việc tiêu xuống giá, năng suất thấp, không bán được, nuôi lươn thương phẩm dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và có thị trường ổn định hơn rất nhiều”, ông Phúc cho biết thêm
Nói về kỹ thuật nuôi lươn, ông Phúc cho rằng, để lươn mau lớn và phát triển đều, ngoài việc chọn con giống tốt, rõ nguồn gốc, thức ăn đủ lượng, có hàm lượng đạm cao phối trộn với trùn quế thì nguồn nước nuôi cũng rất quan trọng, nhất là hàm lượng pH trong nước luôn duy trì ổn định. Nước nuôi lươn lấy từ giếng khoan, bơm cho chảy qua bể lọc, dự trữ ở bể lắng rồi mới bơm vào bể nuôi. Đối với những khu vực có phèn nhiều thì phải lọc nước qua hai bể lọc. Thức ăn cho lươn là cám viên có độ đạm từ 25-40%, mỗi ngày cho ăn từ 1-2 lần vào chiều mát và ban đêm. Để phòng tránh dịch bệnh cho lươn, trước khi cho ăn, cần thay nước, vừa làm cho môi trường nước không bị bẩn vừa để lươn không ăn phải thức ăn cũ còn sót lại. Khi thiết kế hồ nuôi cần phải xây dựng 3 hồ để phân loại lươn theo kích cỡ phù hợp, điều này giúp cho người nuôi dễ dàng trong khâu chăm sóc, cho ăn và theo dõi sự phát triển của lươn.
Mô hình nuôi lươn không bùn đã khắc phục được phần nào những hạn chế của kiểu nuôi lươn truyền thống, trong đó tỷ lệ sống và hao hụt đạt 95%, ít bệnh tật, kiểm soát được nguồn nước. Vì thế hiệu quả mang lại cũng cao hơn. Bên cạnh đó, nguồn lươn thương phẩm cũng được các thương lái miền Tây thu mua, nhu cầu lớn. “Cái khó nhất hiện nay để mở rộng mô hình nuôi đó là con giống. Hiện nguồn giống trên địa bàn tỉnh không đủ cung cấp, còn các nguồn giống khác tôi lo lắng không bảo đảm, nên không dám đặt mua. Do đó, để phát triển lâu dài, tôi đang có định hướng tự nhân giống để vừa nuôi vừa cung cấp cho người dân có nhu cầu tại địa phương”, ông Phúc cho biết thêm.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Xuyên Mộc cho biết, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả. Thời gian gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình của các hộ gia đình nuôi lươn trong bể xi măng và bể bạt, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng và khai thác tối đa các điều kiện phát triển của địa phương. Từ đó, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU