Khai thác hiệu quả nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản

Chủ Nhật, 13/09/2020, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Là địa phương có ngư trường rộng lớn nên khai thác, chế biến thủy, hải sản trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của BR-VT. Do đó, tỉnh từng bước hiện đại hóa đội tàu chú trọng đánh bắt xa bờ, đồng thời tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong các khâu khai thác, chế biến...

Tàu cá được các ngư dân nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi.  Trong ảnh: Ngư dân tại Cảng cá Lộc An chuẩn bị để ra khơi.
Tàu cá được các ngư dân nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi. Trong ảnh: Ngư dân tại Cảng cá Lộc An chuẩn bị để ra khơi.

HIỆN ĐẠI HÓA ĐỘI TÀU

Toàn tỉnh hiện có hơn 5.823 tàu cá với tổng công suất hoạt động gần 1,5 triệu CV. Trong số này, gần 3.100 chiếc có công suất từ 90CV trở lên, đủ điều kiện khai thác xa bờ. Việc đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền và trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại đã giúp ngư dân chủ động trong hoạt động khai thác hải sản, mang lại hiệu quả cao. Một số tàu còn sử dụng các thiết bị hỗ trợ khai thác tiên tiến như hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy dò cá, thiết bị chụp, bộ đàm, đèn chiếu sáng…

Bà Nguyễn Thị Dung, ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, năm 2017, bà được vay hơn 4 tỷ đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cấp tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để nâng công suất tàu từ 300CV lên 600CV. 2 tàu được đầu tư, nâng cấp, gia đình bà yên tâm bám biển, mỗi lần ra khơi trung bình khoảng 2 tháng, thu hoạch trên 3 tấn cá/chuyến, sau khi trừ các chi phí, bà Dung thu về khoảng 100 triệu đồng/tháng. Theo bà Dung, các loại tàu lớn có diện tích khoang trữ cá lớn, nhờ vậy năng suất mỗi lần ra khơi đánh bắt cũng tăng lên. 

Không chỉ nghề khai thác thủy sản trên biển được đầu tư nâng cấp, thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản cũng phát triển nhanh về cả quy mô và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.306ha, trong đó nuôi quảng canh 711,2ha, nuôi quảng canh cải tiến 5.174ha, nuôi bán thâm canh 122,5ha, nuôi thâm canh 298,3ha. Các hộ nuôi trồng từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cơ sở nuôi tôm công nghệ cao Farm Liên Giang (xã An Ngãi, huyện Long Điền), dù mới đi vào hoạt đợng hơn 1 năm nhưng đã mang lại những kết quả tích cực. Ông Bùi Thế Vương, chủ mô hình cho biết, ông hiện đang nuôi tôm sú, tôm thẻ theo hướng công nghệ cao trên diện tích 7ha. Trong đó, 1,5ha ao nuôi chính, diện tích còn lại là ao lắng, lọc và xử lý nước thải. Để xử lý tốt nguồn nước và bảo đảm vệ sinh môi trường ao nuôi, ông Vương đầu tư máy sục ôxy, quạt gió, máy điều khiển cho tôm ăn tự động, hệ thống máy móc hiện đại đo nồng độ pH trong ao nuôi… “Nếu như nuôi tôm truyền thống chỉ được 1 - 2 vụ, nuôi tôm công nghệ cao có thể đạt tối đa 3-5 vụ/năm, tỷ lệ hao hụt tôm cũng giảm xuống 15-20%. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, khu vực nuôi tôm của gia đình tôi đạt 60 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1,3 tỷ đồng/1ha/1vụ”, ông Vương cho biết thêm.

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Theo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, nghề cá trên địa bàn tỉnh luôn giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng, dịch vụ nghề cá trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và từng bước được hoàn thiện. Cảng cá, chợ cá, khu trú đậu tàu thuyền, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, hệ thống trung tâm sản xuất giống, kiểm dịch thú y thủy sản, quan trắc môi trường... được đầu tư xây dựng và hoạt động mang lại hiệu quả.  

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: BR-VT có chiều dài bờ biển trên 305km, trong đó bờ biển phần đất liền 100km và một huyện đảo, với trên 100.000km2 thềm lục địa, diện tích vùng đặc quyền kinh tế biển của tỉnh khoảng 297.000km2. Đặc biệt, BR-VT nằm trong ngư trường được thiên nhiên ưu đãi, thời tiết ôn hòa, ít khi xảy ra gió bão mạnh nên rất thuận lợi cho hoạt động khai thác gần bờ và xa bờ, nhất là khai thác gần bờ có thời gian hoạt động hàng năm từ 200-250 ngày; đối với tàu thuyền lớn đánh bắt xa bờ có thể hoạt động từ 300-310 ngày.  

Nhiều mô hình đánh bắt theo tổ đội, tàu đoàn đã được hình thành, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu những hình thức đánh bắt gây suy kiệt, hủy hoại nguồn lợi thủy sản. “Việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, tăng cường các biện pháp phòng, chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp không chỉ hướng tới xóa “thẻ vàng”, mà quan trọng hơn là để ngành đánh bắt hải sản thực hiện đúng các quy định mới của Luật Thủy sản. Do đó, thời gian tới tỉnh tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về hoạt động đánh bắt, khai thác và chế biến thủy, hải sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững”, ông Cường thông tin thêm.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.