Nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất, thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Đất Đỏ được nâng lên, kinh tế hộ gia đình ngày càng khấm khá và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Trọng Nghĩa (xã Lộc An) chăm sóc các ao tôm của gia đình. |
Từng canh tác nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả kinh tế không cao, ông Nguyễn Hữu An (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) được địa phương tạo điều kiện cho tham quan mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2014, ông mua 400 gốc dừa về trồng trên diện tích 1ha vườn nhà. Nhờ kiến thức, kinh nghiệm sẵn có và sự hỗ trợ của địa phương thông qua các lớp tập huấn, dừa phát triển tốt. Ông An cho biết, sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn dừa của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Dừa cắt xuống đến đâu được thương lái vào thu mua đến đó. Với giá bán trung bình 9.000 đồng/trái, mỗi năm ông thu lãi gần 100 triệu đồng. Để có thêm dừa cung cấp cho thị trường, hiện ông tiếp tục ươm giống mở rộng diện tích, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân địa phương. Ông An cho biết: “Trước đây tôi trồng đủ loại cây như mít, xoài, tràm nhưng thu nhập không cao. Rồi tôi nhận ra, du lịch Đất Đỏ đang phát triển sao mình không thử trồng dừa xiêm để bán và bước đầu mô hình này đã thành công, kinh tế gia đình cũng đã khấm khá hơn”.
Mô hình trồng khoai mài cũng đã và đang được nhân rộng bởi cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Châu Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hội thông tin, hiện nay, toàn xã có 43 hộ trồng khoai mài, với tổng diện tích hơn 31.000m2. Đến nay, mô hình này cho hiệu quả khá tốt, thu nhập trung bình hơn 1 tỷ đồng/ha, gấp nhiều lần so với nhiều loại cây trồng khác. “Huyện Đất Đỏ đã nhân rộng mô hình này và có các chính sách hỗ trợ giúp bà con đầu tư trụ bê tông, giàn lưới để canh tác lâu dài, bền vững, mở rộng diện tích, tiến tới thành lập tổ trồng khoai mài để xây dựng khoai mài thương hiệu Phước Hội”, ông Châu Văn Trung cho biết thêm.
Nông dân Phước Hội chăm sóc khoai mài. |
Còn tại xã Lộc An, mô hình nuôi tôm và cá chẽm của ông Lê Trọng Nghĩa đã mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Với 5ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tổng sản lượng gần 60 tấn/năm, ông thu lãi khoảng 1-1,5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh nuôi tôm, ông còn nuôi cá chẽm với sản lượng khoảng 40-50 tấn/năm, thu lãi khoảng 500-600 triệu đồng. “Trong tương lai tôi muốn đầu tư công nghệ cao để phát triển nghề nuôi tôm. Bởi nuôi tôm công nghệ cao không chỉ gia tăng sản lượng gấp 4 lần mà còn góp phần giúp người nuôi kiểm soát, quản lý được quá trình nuôi và bảo vệ môi trường”, ông Nghĩa nói.
Theo đại diện Hội Nông dân huyện Đất Đỏ, từ năm 2015 trở lại đây, thông qua các nguồn quỹ, huyện Đất Đỏ đã giúp người nông dân tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện cũng rà soát và nhân rộng các mô hình nông nghiệp và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Đến nay không ít nông sản của huyện Đất Đỏ đã được định danh thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh BR-VT như mãng cầu, nhãn xuồng, măng tây, khoai mài… Đặc biệt, với chương trình mỗi xã một sản phẩm, huyện Đất Đỏ chỉ đạo ngành nông nghiệp vận động nông dân tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần nâng tầm giá trị nông sản trên thị trường.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU