Duy trì tăng trưởng trong điều kiện "bình thường mới"
“Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội; Ưu tiên đầu tư các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực…”, là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, diễn ra ngày 31/8.
Tại điểm cầu BR-VT, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị.
Sản xuất bình, bồn và các thiết bị công nghệ tại Công ty Alpha ECC (KCN Đông Xuyên). |
TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐẠT THẤP
Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH-ĐT) cho biết, do chịu tác động của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long đạt thấp nhất so với các vùng khác trên cả nước và thấp hơn mức bình quân của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2020 của toàn vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cũng không đạt kế hoạch đề ra, chỉ đạt 38,4% so với vốn được Thủ tướng giao.
Báo cáo của Sở KH-ĐT BR-VT cũng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ đầu năm đến nay hầu hết các chỉ tiêu kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm, không đạt so với kế hoạch đề ra. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch, xuất khẩu nông sản, thủy sản, dịch vụ vận tải, cảng biển và một số nhóm ngành công nghiệp may mặc, giày da.
Cụ thể, ước tính năm 2020, GRDP trừ dầu thô và khí đốt tăng 3,3% thấp hơn kế hoạch đề ra là 7,5%; Giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 8,06% thấp hơn kế hoạch là 9,05%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,01%, kế hoạch là 14,3%; Kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) tăng 6,55%, kế hoạch là 10,07%; Ước tổng thu NSNN năm 2020 đạt 70.861 tỷ đồng, giảm 20,8% so với năm 2019.
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty Quốc tế Việt An, CCN Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ. |
BỐ TRÍ NGUỒN LỰC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG GIAO THÔNG KẾT NỐI VÙNG
Theo ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT, hạn chế hiện nay của BR-VT trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế là hệ thống giao thông kết nối vùng để khai thác cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Hiện chỉ có duy nhất tuyến QL51 nhưng đã quá tải. Vì vậy, nếu giai đoạn 2021-2025, dự án cầu Phước An và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chưa được triển khai xây dựng sẽ kìm hãm sự phát triển của khu vực vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và BR-VT nói riêng. Do đó, ngoài sử dụng khai thác các nguồn lực hiệu quả của địa phương, BR-VT kiến nghị Bộ KH-ĐT quan tâm tới bố trí nguồn lực cho các dự án mở mới mà tỉnh đã đề nghị, đặc biệt là cầu Phước An và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Từ đó, giúp BR-VT phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương cần thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội và duy trì tăng trưởng năm 2020 trong điều kiện “bình thường mới”. Để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, phải ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương; khai thác hiệu quả quỹ đất theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất kém hiệu quả sang lĩnh vực hiệu quả hơn; kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không triển khai, giao đất vượt nhu cầu.
Đối với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để giải quyết được các điểm nghẽn, ách tắc của từng địa phương và của vùng theo hướng kết nối, tạo động lực phát triển mới cho địa phương. Kiên quyết không vay vốn ODA để triển khai các dự án mà có thể xã hội hóa hoặc có thể vay vốn trong nước để thực hiện, hạn chế tối đa gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau này.
Bài, ảnh: THỤY NHIÊN
Dự kiến, kế hoạch tăng trưởng GRDP bình quân cho cả vùng Ðông Nam Bộ và Ðồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 khoảng 8-8,5%. Cơ cấu kinh tế năm 2025 duy trì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 80%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 175,5 triệu đồng và 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Riêng BR-VT giai đoạn 2021-2025 tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế và tăng trưởng GRDP là 7,6%/năm, trong đó 2021 tăng 6,8%/năm. Theo đó, tỉnh đã đề ra các giải pháp, tập trung phát huy năng lực cụm cảng Cái Mép-Thị Vải và dịch vụ hậu cần cảng. Kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, các dự án có công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động và bảo vệ môi trường.