Dồn lực cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Thứ Hai, 07/09/2020, 20:13 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, lãnh đạo 2 tỉnh BR-VT và Đồng Nai đã chốt phương án đầu tư đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, sau hơn 10 năm chậm trễ, hiện 2 địa phương đang có những động thái tích cực đẩy nhanh tiến độ để dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra trên Quốc lộ 51.
Tình trạng kẹt xe thường xuyên diễn ra trên Quốc lộ 51.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng cần được sớm đầu tư để giảm tải cho Quốc lộ 51 đang quá tải hiện nay. Theo đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam - Tedi South, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu nối với đường Võ Nguyên Giáp (TP.Biên Hòa), cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km và điểm cuối là nút giao Vũng Vằn, TP.Bà Rịa.Dự án đi qua các xã, phường: Phước Tân, Tam Phước (TP.Biên Hòa), An Phước, Long Đức, Lộc An, Long An, Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành) của tỉnh Đồng Nai và Mỹ Xuân, Phú Mỹ, Tóc Tiên, Châu Pha (TX.Phú Mỹ), Long Hương (TP.Bà Rịa), phường 12 (TP.Vũng Tàu) của tỉnh BR-VT.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ có tác động đến việc hàng hóa lưu thông nhanh, cảng biển hoạt động hết công suất. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng TCIT.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ có tác động đến việc hàng hóa lưu thông nhanh, cảng biển hoạt động hết công suất. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng TCIT.

Tổng chiều dài toàn tuyến gần 78km, được chia cụ thể đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ (cao tốc) dài 38km; đoạn Phú Mỹ - đường ven biển TP.Vũng Tàu dài 28km; đoạn từ đường ven biển TP.Vũng Tàu đến Quốc lộ 51C dài 2,8km và đoạn nối Phú Mỹ - quốc lộ 51 (vào cảng Cái Mép - Thị Vải) dài 8,8km. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 38km đường cao tốc từ Biên Hòa đến TX.Phú Mỹ và 8,8km đường nhánh nối vào cảng CM-TV được đầu tư theo hình thức PPP với mức đầu tư 15.633 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2 từ Phú Mỹ đến Vũng Vằn có mức đầu tư khoảng 8.060 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định của tỉnh BR-VT. Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, phương án đầu tư chia thành 2 dự án thành phần là hợp lý, vì nếu đầu tư toàn tuyến số vốn rất lớn, khó thực hiện. 

Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho rằng, cái khó hiện nay của dự án là vốn chi trả giải phóng mặt bằng (GPMB) khá lớn. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, tổng diện tích GPMB gần 514ha. Trong đó, Đồng Nai hơn 273ha và BR-VT hơn 240ha. Tổng số tiền dự kiến cần phải chi trả gần 7.500 tỷ đồng, trong đó tỉnh Đồng Nai là hơn 5.567 tỷ đồng và BR-VT hơn 1.900 tỷ đồng. 

Về phía tỉnh Đồng Nai, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng băn khoăn, đây là khoản tiền khá lớn trong khi Đồng Nai đang phải thực hiện nhiều dự án đầu tư và hỗ trợ cho DN do dịch COVID-19. Vì vậy, tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn trong việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách của tỉnh.

Trước vấn đề này, tại cuộc họp nghe TEDI báo cáo Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào ngày 3/9 vừa qua, ông Lê Tuấn Quốc cho biết, 2 tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Đồng Nai 5.567 tỷ đồng để GPMB và 180 tỷ đồng cho công tác xây lắp. Ngân sách tỉnh BR-VT bỏ ra khoảng 2.022 tỷ đồng và phía nhà đầu tư khoảng 7.855 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, ông Lê Tuấn Quốc cũng yêu cầu đơn vị tư vấn và các sở, ngành liên quan sớm hoàn thành báo cáo tiền khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 11/2020. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, sẽ trình Quốc hội thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư vào giữa năm 2021. Sau đó, BR-VT sẽ bắt tay vào việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thi công xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. “Về nguồn vốn, BR-VT xin Chính phủ cho phép lấy nguồn lực sẵn có của tỉnh và quỹ đất công để tạo thành nguồn lực đầu tư hạ tầng. Hiện BR-VT đã chuẩn bị khoảng 20.000 tỷ đồng để thực hiện nhiều dự án quan trọng của tỉnh, trong đó có dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu”, ông Lê Tuấn Quốc thông tin.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

;
.