Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dệt may đóng góp gần 22 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu chung 8 tháng đầu năm nay, song vẫn giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2019. Đợt dịch mới bùng phát trở lại trên toàn cầu khiến sản xuất, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục “ngập” trong khó khăn.
Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các DN đều đã có đơn hàng đến cuối năm và nửa đầu năm sau. Nhưng hiện tại, tình hình hoàn toàn khác khi hầu hết các DN chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng, thậm chí từng tuần. Một số đơn vị hiện mới nhận được 50-60% đơn hàng so với tháng 9 năm ngoái, các tháng còn lại năm 2020 và năm 2021 đều chưa có thông tin rõ ràng.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình thị trường dệt may thế giới trong quý III chưa nhiều dấu hiệu khả quan, thị trường chưa chuyển biến.
Theo khuyến cáo, các DN nên tập trung khai thác thị trường nội địa để bù đắp. Nửa cuối năm đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm 10% năng lực sẽ là giải pháp giải quyết việc làm đáng kể cho DN.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhìn nhận, thị trường nội địa sẽ là một trong những phân khúc tiềm năng bù đắp một phần chi phí trong bối cảnh khó khăn, dù doanh thu của thị trường nội địa không quá lớn khi người dân đang thắt chặt chi tiêu.
Dù thế, căn cơ nhất lúc này, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn là “bảo đảm sức sống DN vượt qua đại dịch, tổn thất sức khoẻ thấp nhất”. Vì vậy, ngoài giảm các khoản bảo hiểm, thuế, Vitas đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu cho DN được hoãn đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí, phí công đoàn đến hết năm sau; kiến nghị Chính phủ có giải pháp để các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ cho DN còn có năng lực sản xuất, hồi phục nhanh sau đại dịch.
LINH TRẦN