Đến năm 2024, giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường

Thứ Hai, 07/09/2020, 20:14 [GMT+7]
In bài này
.

Việc tăng giá điện, xây dựng thị trường điện cạnh tranh… là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” diễn ra ngày 7/9 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực TP. Vũng Tàu sửa chữa tại trạm 110kV Thắng Tam. Ảnh: VÂN ANH
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực TP. Vũng Tàu sửa chữa tại trạm 110kV Thắng Tam. Ảnh: VÂN ANH

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất điện luôn tăng chứ chưa giảm. Vừa qua, do tác động của dịch COVID-19, giá dầu, giá khí hóa lỏng, giá than trên thế giới giảm, Bộ đã chủ động cùng với EVN đề xuất phương án giảm khoảng 10% giá điện, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, DN.

Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng giá bán lẻ điện. Thời gian qua, Bộ Công thương đã đưa ra lấy ý kiến dư luận biểu giá bán lẻ điện bậc thang cũng như cơ chế điện một giá. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đánh giá và tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Công thương thấy vẫn còn nhiều tồn tại nên đã chủ động xin rút lại phương án điện một giá, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh thêm.

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, an ninh năng lượng là vấn đề mang tính toàn cầu. Đến nay, nước ta đã xây dựng được một hạ tầng về năng lượng, một ngành công nghiệp năng lượng phát triển vượt bậc, toàn diện, cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng; đã ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ về khoa học, kỹ thuật; đào tạo được một đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đông đảo trên tất cả các nhóm ngành khai thác, chế biến, công nghiệp và năng lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, quy mô ngành điện Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ 23 trên thế giới với tổng công suất nguồn điện toàn quốc đạt 54.987MW, sản lượng điện năm 2020 ước đạt 238,42 tỷ Kwh, tăng 2,63 lần so với năm 2010. Riêng điện gió và điện mặt trời là lĩnh vực mới nhưng chỉ trong 5 năm gần đây đã có 100 dự án đi vào vận hành với công suất 5.120MW (91 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất là 4.680MW và 9 nhà máy điện gió với tổng công suất là 440MW), chiếm tỷ trọng hơn 9% nguồn điện. Đó là thành tựu, kết quả vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn để bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ cho sự phát triển của đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, mặc dù kết quả đạt được là tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành Năng lượng luôn gấp từ 1,5 đến 2 lần so với tăng trưởng kinh tế của đất nước, song vấn đề an ninh năng lượng của nước ta vẫn đang là những thách thức lớn cần vượt qua.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là: phải tập trung xử lý, giải quyết những tồn tại, vướng mắc để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ vào vận hành; khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn thiện, thông qua quy hoạch của ngành Năng lượng nói chung và Quy hoạch sơ đồ điện VIII; áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường; tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường; phát triển ngành Năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm, hiệu quả.

PHAN PHƯƠNG

 
;
.