Trong bối cảnh nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, các DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường, kim ngạch xuất khẩu của nhiều sản phẩm tăng lên. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gồm: thép, cơ khí chế tạo, hải sản chế biến… đã có mặt ở hầu hết các thị trường trên thế giới.
Sản xuất hải sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG
Bà Susanna Wong, Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (CCN Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cho biết, Công ty được thành lập năm 2009, chuyên sản xuất sợi, vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, vải dệt thoi; hoàn thiện sản phẩm dệt... Đến nay, Công ty có 11 xưởng sản xuất, với diện tích khoảng 30ha. Các sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Australia, Campuchia… Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 142 triệu USD, trong đó kim ngạch từ mặt hàng sợi chiếm gần 129 triệu USD.
“Để sản phẩm được thị trường chấp nhận, chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu cùng giá hợp lý, mẫu mã phù hợp với yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đã có hiệu lực là cơ hội để DN tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Để đạt được điều này, Công ty chú trọng đầu tư, nâng cấp công nghệ, tự động hệ thống máy móc, thiết bị trọng yếu ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đồng thời huấn luyện kỹ năng, thao tác cho người lao động trong những khâu không thể tự động hóa”, bà Susanna cho biết thêm.
Còn tại Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) trong 5 năm qua cũng luôn nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, so với các ngành khác, việc sản xuất, kinh doanh thủy sản xuất khẩu đòi hỏi các tiêu chí về chất lượng khá cao. Các sản phẩm xuất đi phải bảo đảm các tiêu chuẩn của khách hàng nước ngoài như HACCP, ISO… DN đã huấn luyện để người lao động nắm bắt và thực hiện theo các tiêu chí này, đổi mới công nghệ, nâng cấp nhà xưởng, giữ chữ tín, niềm tin với hợp đồng ký kết để giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Hiện nay, trung bình mỗi năm DN xuất khẩu gần 40 triệu USD, tương đương với 2.000 tấn sản phẩm các loại. Riêng 8 tháng 2020, DN đã xuất khẩu khoảng 1.200 tấn, với kim ngạch hơn 21 triệu USD. Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng thị trường tiêu thụ của DN không bị thu hẹp, vì sản phẩm của công ty được xuất khẩu vào các chuỗi siêu thị, tập đoàn lớn nên hợp đồng đã ký là phải thực hiện. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch năm, công ty đã tăng thu mua và nhập khẩu nguyên liệu, trong đó, nguyên liệu nhập khẩu chiếm gần 50% và tăng 40% so với năm 2019. Đồng thời tăng tần suất sản xuất để đáp ứng các hợp đồng đã ký. Đây cũng là điều kiện, cơ hội để DN ký hợp đồng nhiều hơn khi dịch qua đi. Cũng như tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để tăng sức mua từ khách hàng châu Âu.
HƯỚNG ĐẾN XUẤT KHẨU BỀN VỮNG
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA có hiệu lực đã mở thêm cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng xâm nhập vào thị trường châu Âu. Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Chẳng hạn, ở thị trường châu Âu, nếu như năm 2019, tỷ trọng hàng hóa chỉ chiếm chưa đến 1% thì đến hết tháng 8/2020, tỷ trọng đã tăng lên 1,01%, với 53,06 triệu USD, tăng 10,54% so với cùng kỳ. Trong đó, Italia tăng 18 lần, Pháp tăng 1,7 lần. Nhóm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của tỉnh với tỷ trọng 93,72% trong kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô, tương đương hơn 3 tỷ USD, tăng 9,68% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Sở Công thương, sau 5 năm triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cả dầu khí ước 38,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,88%/năm; giá trị xuất khẩu trừ dầu khí đạt 22,1 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,87%/năm. Có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, còn là sự nỗ lực của các DN trong việc chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường nên kim ngạch xuất khẩu của nhiều sản phẩm tăng lên. Thị trường xuất khẩu cũng như quy mô các mặt hàng đạt trên 100 triệu USD được mở rộng, tập trung vào các mặt hàng chủ lực như thép, cơ khí chế tạo, hải sản chế biến… |
Đồng chí Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiệp định thương mại tự do là cơ hội tốt để DN xuất khẩu của tỉnh khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới. Kể từ sau khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, nhiều DN xuất khẩu đã liên hệ với Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Vũng Tàu để xin cấp C/O cho các mặt hàng xuất sang thị trường châu Âu. Để tận dụng được các ưu đãi của thị trường, các DN phải tự mình thay đổi thích nghi với các quy tắc về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, cũng như các rào cản thuế quan, phi thuế quan của từng nước. “Về phía tỉnh, sẽ tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, các chính sách chế độ mới liên quan đến xuất khẩu trên các trang thông tin đại chúng, nhằm giúp cho DN tiếp cận thông tin về thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu… Đồng thời cung cấp thông tin về thị trường và mặt hàng xuất khẩu, các lưu ý và cảnh báo đối với các thị trường thông qua website của sở, hoặc các buổi hội thảo, hội nghị, tập huấn về hội nhập; cung cấp thông tin thị trường nước ngoài, các chính sách mới về thuế - hải quan, cạnh tranh, chống bán phá giá, hội nhập kinh tế quốc tế…”, đồng chí Vũ Bích Hảo nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU