Sau 31 ngày thực hiện kế hoạch trung tu, vào lúc 23 giờ 45 phút ngày 31/7, các tổ máy thuộc Nhà máy điện Phú Mỹ 4 (NMĐPM4) lần lượt chính thức bàn giao cho Trung tâm điều độ HTĐ (A0) khai thác. Đây lần đầu tiên công tác trung tu tổ máy tubine khí GT13E2 và tổ máy tubine hơi ST43 được thực hiện không có sự tham gia trực tiếp của chuyên gia nhà chế tạo GE tại công trường.
Hình cẩu Rotor Tuabin khí ra trung tu. |
NMĐPM4 là một trong 4 cụm Nhà máy thuộc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 8/2004. Sản lượng tích lũy tính đến hết tháng 7/2020 của NMĐPM4 đạt gần 51 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng công nghệ Tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất thiết kế là 450 MW với cấu hình vận hành 2-2-1, gồm 2 Tuabin khí GT13E2, công suất mỗi tổ máy là 145 MW, 2 lò thu hồi nhiệt và 1 tổ máy Tuabin hơi KA13E2 với công suất 160 MW.
Theo kế hoạch sửa chữa lớn năm 2020 đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN phê duyệt, tổ máy GT41 trùng tu từ ngày 1/7. Đối với công tác đại tu, trung tu các tổ máy Tuabin khí GT13E2 từ trước đến nay, Công ty đều phải ký hợp đồng thuê chuyên gia của hãng GE hỗ trợ trực tiếp tại công trường. Trong đợt trung tu này, do ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 trên toàn thế giới, các chuyên gia của nhà chế tạo GE không thể đến Việt Nam để tham gia công tác sửa chữa, bảo dưỡng tại công trường. Điều này gây khó khăn, thách thức khi trung tu tổ máy GT41 năm 2020 có khối lượng gần như công trình đại tu do phải cẩu toàn bộ Rotor Tuabin, máy nén gió ra ngoài để kiểm tra và xử lý triệt để khiếm khuyết của dòng máy GT13E2 sau khi thay thế lên Version MXL2 không chạy được chế độ nâng công suất High Fogging. Tuy nhiên căn cứ vào số giờ vận hành và tình trạng thông số của tổ máy, lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ đã chỉ đạo quyết liệt phải dừng trung tu theo đúng kế hoạch để khắc phục các tồn tại, bảo đảm các tổ máy vận hành an toàn, tin cậy.
Để công tác trung tu bảo đảm tiến độ, chất lượng, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ và Công ty EPS đã phối hợp với nhà sản xuất GE lập phương án chuyên gia sẽ giám sát, hỗ trợ từ xa thông qua các ứng dụng của microsoft và chuẩn bị chi tiết từng công việc, từng hạng mục, bố trí những người có kinh nghiệm đảm nhận. Trong đó có những công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao như cẩu Rotor ra ngoài thay các tầng máy nén gió. Cánh động, tĩnh tầng 18, 19, 20, 21 do chính Công ty EPS đảm nhận. Công tác nghiệm thu, thử nghiệm, hiệu chỉnh tổ máy sau trung tu do chính lực lượng tổ C và I phân xưởng vận hành 1 của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ chủ trì thực hiện.
Sau gần 31 ngày làm việc liên tục, lần lượt các thiết bị đã được đưa vào vận hành thử nghiệm và nghiệm thu đạt các yêu cầu kỹ thuật và hoàn thành đúng tiến độ.
Đây là lần đầu tiên, công tác trung tu tổ máy TBK và TBH được thực hiện thành công mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia của nhà chế tạo GE tại công trường mà chỉ thông qua hỗ trợ từ xa, thể hiện bước phát triển mới trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các nhà máy điện trong Tổng Công ty, là tiền đề tốt cho việc chủ động thực hiện các công trình sửa chữa lớn trong thời gian tới, nhằm không ngừng nâng cao năng lực nội bộ, tối ưu chi phí, và là phương án phù hợp nhất trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Để có được kết quả như trên, ngoài tinh thần hăng say lao động và nỗ lực vượt bậc của từng cán bộ công nhân viên trong Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ và Công ty EPS, còn phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và quyết tâm của Ban Lãnh đạo Công ty để công trình trung tu bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ.
HỒNG ANH