Từ ngày thành lập tới nay, Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể (HTKTTT) tỉnh đã tiếp thêm nguồn lực, giúp nhiều HTX đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên. Góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Nhà máy sấy lúa của HTX An Nhứt, xã An Nhứt huyện Long Điền đi vào hoạt động đã giải quyết nhiều khó khăn trong khâu sau thu hoạch. |
Quỹ HTKTTT (thuộc Liên minh HTX tỉnh) chính thức đi vào hoạt động năm 2010. 10 năm qua, Quỹ đã trở thành kênh hỗ trợ vốn hiệu quả, giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm của HTX. Từ nguồn vốn vay của Quỹ, nhiều HTX đã mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
HTX nông nghiệp Quyết Thắng (phường Long Hương, TP. Bà Rịa) là một ví dụ. Trong các năm từ 2012-2019, đơn vị liên tục nhận được nguồn vay từ Quỹ HTKTTT để phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong đó, lần vay ít nhất là 300 triệu và nhiều nhất lên tới 1,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Quyết Thắng cho biết, HTX hiện có 84 thành viên, canh tác trên diện tích khoảng 2ha nuôi tôm công nghệ cao, với 2 khu nuôi, mỗi khu 4 hồ nuôi (500m2), 2 ao thải và 3 ao lắng. Khi mới bắt tay vào nuôi tôm bán thâm canh, các xã viên trong HTX đều “khát” vốn để đầu tư sản xuất.
Sau khi được nhận 300 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể vào năm 2012, các xã viên trong HTX có vốn đầu tư xây dựng ngăn ao, trải bạt, mua sắm trang thiết bị, máy móc, thức ăn, giống... Đối với nguồn vốn vay này, HTX có lợi thế khi không phải đóng lãi suất, thủ tục vay đơn giản, dễ dàng. Việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả đã tạo tiền đề giúp HTX Quyết Thắng xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, theo phương pháp tuần hoàn khép kín trong nhà màng vào năm 2019. Hiện HTX đang nuôi 3 vụ/năm, năng suất đạt 20-25 tấn/vụ/khu, doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về từ 2-3 tỷ đồng.
HTX Nông nghiệp Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) hiện có 1.080 thành viên với 320 hộ, canh tác trên diện tích khoảng 222ha. Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX chia sẻ: Với diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh, những năm trước, lúa sau khi thu hoạch, bà con xã viên phải mất ít nhất từ 3-5 ngày để tiến hành phơi (nếu thời tiết thuận lợi). Tuy nhiên, lúa phơi theo phương pháp truyền thống không đạt đúng chất lượng theo yêu cầu của nhà thu mua (phơi không đủ nắng, hạt bị trầy xước), do đó giá lúa bán không cao. Năm 2015, đơn vị được vay 800 triệu đồng từ Quỹ HTKTTT để đầu tư xây dựng nhà máy sấy, phục vụ sản xuất cho bà con xã viên trong HTX. Với công suất hoạt động khoảng 40 tấn lúa tươi/ngày, máy sấy lúa đã giải quyết gần như 90% những hạn chế trước đây trong khâu sau thu hoạch. Lúa được sấy từ máy giá thành bán cao hơn so với phơi thông thường do đạt chất lượng, tỷ lệ hao hụt giảm còn 2% (trước đây 5-7%), giải quyết công lao động gần như 90%. “Thay vì phải tìm khu phơi lúa như trước đây, hiện bà con xã viên chỉ mất khoảng vài giờ đồng hồ vận chuyển lúa đến nhà máy để sấy. Việc xây dựng nhà máy sấy đã giúp bà con xã viên trong HTX giảm thiểu chi phí sản xuất từ 15-20% so với trước đây, nhờ đó, lợi nhuận của xã viên cũng được tăng lên”, ông Thành cho biết thêm.
Ngày 20/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2447/QĐ-UBND về việc Tặng Bằng khen cho Quỹ hỗ trợ kinh tế tập thể tỉnh BR-VT đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thành lập và hoạt động của Quỹ giai đoạn 2010- 2020. |
Ông Trần Tấn Phong, Giám đốc Quỹ HTKTTT cho biết: Sau 10 năm hoạt động, hiện tổng nguồn vốn của Quỹ đạt trên 15 tỷ đồng, tăng gần 50% so với nguồn vốn ban đầu. Tổng doanh số cho vay của Quỹ từ khi thành lập đến nay đạt 53 tỷ đồng, cho 104 lượt HTX, liên hiệp HTX thành viên vay vốn. Các dự án vay vốn tập trung chủ yếu vào phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng theo ông Phong, chính sách hỗ trợ về vốn thông qua Quỹ HTKTTT đã góp phần khắc phục khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Thực tế đã chứng minh, các HTX được vay vốn đều sử dụng hợp lý nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng KHKT, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Gần 10 năm qua, Quỹ HTKTTT của tỉnh hoạt động ổn định và hiệu quả đã tiếp thêm nguồn lực hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể phát triển một cách bền vững, đúng định hướng Luật Hợp tác xã 2012.
“Trong thời gian tới, Quỹ sẽ tập trung hỗ trợ vốn cho các dự án của các HTX nông nghiệp, nông thôn nhất là các HTX trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các HTX sản xuất theo chuỗi liên kết ổn định hoạt động phát triển bền vững; Mở rộng đối tượng hỗ trợ vốn thể nhân là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, phù hợp với Luật HTX 2012; Thực hiện hỗ trợ vốn phát triển kinh tế tập thể tại các địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU