CẢNG BIỂN VƯƠN MÌNH PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ - Kỳ 1: Giữ vững vị thế cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam

Chủ Nhật, 20/09/2020, 18:33 [GMT+7]
In bài này
.

5 năm qua, cụm cảng Cái Mép- Thị (CM-TV) tiếp tục giữ vững vị thế cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng trên 22%/năm, cao thứ sáu trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Kết quả này đã tạo đà tích cực để kinh tế cảng biển phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. 

Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng TCIT.
Xếp dỡ hàng xuất nhập khẩu tại cảng TCIT.

NHỮNG KỶ LỤC ẤN TƯỢNG

Từ đầu năm đến nay, dù hoạt động hàng hải chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên cụm CM-TV lại liên tục đón nhận nhiều tin vui, nhiều kỷ lục mới được xác lập như: xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng; đạt năng suất xếp dỡ hàng container cao nhất Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.  

 Đầu tháng 8/2020, Cảng Tân Cảng- Cái Mép  (TCCT) đã tiếp nhận và xếp dỡ thành công các thiết bị siêu trường, siêu trọng được vận chuyển bởi tàu RAM COMMANDER có trọng tải 12.631 DWT. Tàu RAM COMMANDER đã chở 3 thiết bị siêu trường, siêu trọng có tổng trọng lượng 2.970 tấn, là thiết bị để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy sản xuất Polypropylene và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG của Công ty TNHH hóa chất Hyosung Vina. Tàu RAM COMMANDER tuy chưa  phải là con tàu có trọng tải lớn nhất từng cập cảng TCCT. Nhưng điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên tàu container chuyên dụng chở thiết bị siêu trường siêu trọng cập cảng TCCT nói riêng và cụm cảng CM-TV nói chung. Ông Nguyễn Văn Thuy, Giám đốc Cảng TCCT cho biết: “Để đón tàu chuyên dụng chở thiết bị cho nhà máy Hyosung, các phương án đón tàu, xếp dỡ các thiết bị siêu trường, siêu trọng phải cần tới các phương tiện đặc chủng đã được cảng TCCT chuẩn bị từ năm 2018. Dự kiến, thời gian tới, cảng TCCT sẽ tiếp tục đón những chuyến tàu vận chuyển trang thiết bị tương tự cho nhà máy Hyosung”.

Trước đó, vào tháng 7/2020, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã tiếp tục phá kỷ lục khai thác của cảng khi xếp dỡ an toàn 22 kiện hàng quá khổ quá tải và siêu trường siêu trọng lên tàu mẹ Arnold Maersk trên tuyến dịch vụ America đi bờ Đông nước Mỹ, trong thời gian kỷ lục - chỉ hơn 4 tiếng. 

 Năng suất giải phóng hàng cao đã giảm giờ tàu nằm cầu và giảm chi phí cho các hãng tàu, các hãng tàu rất hài lòng. Qua đó, bảo đảm thời gian khởi hành của tàu mẹ đến các cảng kế tiếp. Điều này đã gây ấn tượng mạnh cho khách hàng và hãng tàu về thành tích khai thác của CMIT trong việc xếp dỡ các mặt hàng quá khổ quá tải và siêu trường siêu trọng.  

Đầu năm nay, Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đã thiết lập mức kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng biển Việt Nam về năng suất xếp dỡ đạt 214,31 container/giờ khi làm hàng cho tàu YM WISDOM của hãng tàu Yangming. Con số này đã vượt qua mức kỷ lục mà TCIT đã thiết lập trước đó là 207,36 container/giờ. Với năng suất xếp dỡ cao nhất từ trước đến nay, tàu YM WISDOM được giải phóng 2.007 container (tương đương với 3.310 TEUs) chỉ trong vòng chưa tới 10 tiếng cập cảng đã giúp hãng tàu tiết kiệm thời gian và chi phí khi cập cảng làm hàng.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Công cho biết, những sự kiện trên đều là những kỷ lục cao nhất từ trước tới nay tại Việt Nam, là dấu mốc hết sức quan trọng chứng minh năng lực, vị thế của cụm cảng CM-TV nói riêng và ngành cảng biển Việt Nam trên bản đồ cảng biển thế giới. Hiện mỗi ngày tại CM-TV có 2 tàu mẹ đi thẳng đến hai bờ nước Mỹ, 1 chuyến tàu lớn đi thẳng các nước châu Á, trung bình 3 ngày có một chuyến tàu đi thẳng châu Âu. Với tần suất này, CM-TV đang là một trong những cảng cạnh tranh nhất ở ASEAN, sau Malaysia và Singapore.

Cảng CMIT đã thiết lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng biển Việt Nam về năng suất xếp dỡ, đạt 214,31 container/giờ khi làm hàng cho tàu YMWISDOM của hãng tàu Yangming.
Cảng CMIT đã thiết lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng biển Việt Nam về năng suất xếp dỡ, đạt 214,31 container/giờ khi làm hàng cho tàu YMWISDOM của hãng tàu Yangming.

ĐẦU TƯ CẢNG ĐỒNG BỘ HIỆN ĐẠI

Để đạt được những kết quả trên, 5 năm qua các DN cảng không ngừng nỗ lực đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm tăng năng lực đón tàu. Ông Kurita, Tổng Giám đốc Cảng TCIT cho biết: TCIT đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, nâng tổng số lượng cẩu bờ lên 11 chiếc, trong đó có 1 cẩu bờ có tầm với 24 hàng mới đưa vào hoạt động; 22 cẩu bãi; 10 xe đầu kéo và 2 xe nâng, cùng nhiều trang thiết bị khác. Năm 2021, TCIT tiếp tục trang bị thêm 3 cẩu bờ với kích thước lớn hơn để thay thế 3 cẩu bờ cỡ trung hiện tại. Đồng thời, sẽ đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại. Với các trang thiết bị này, cảng có thể tiếp nhận các tàu trọng tải từ 20 ngàn TEUs, năng lực khai thác của cảng TCIT tới năm 2021 dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với hiện tại.

Tái khởi động sau hơn 2 năm, hiện Cảng Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện đang gấp rút hoàn thiện và dự kiến vào năm 2021 cảng này  sẽ chính thức đưa vào khai thác. Gemalink có tổng diện tích lên đến 72ha, tổng chiều dài cầu bến là 1.500m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ ra vào làm hàng; đồng thời, đây là cảng nước sâu duy nhất khu vực CM-TV có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực TP.Hồ Chí Minh,  Ðồng bằng sông Cửu Long.

   Ông Phạm Quốc Long, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Gemadept (chủ đầu tư Cảng Gemalink) cho biết:  Cảng Gemalink ở gần nhất với luồng hoa tiêu, có độ sâu trước bến -16m, vũng quay tàu 2 km nên đáp ứng được việc ra vào cho những con tàu lớn nhất. Gemalink được trang bị công nghệ tối tân với năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới lên đến 200 ngàn DWT. Năng lực xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEUs/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEUs/năm. Tổng vốn đầu tư của Gemalink cho giai đoạn 1 ước tính 330 triệu USD.

Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, các DN triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách kinh doanh và tổ chức điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng để rút ngắn  thời gian giải phóng tàu, tiết kiệm chi phí. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó tổng Giám đốc cảng CMIT cho biết, CMIT là cảng container đầu tiên tại Cái Mép và khu cảng miền Nam thực hiện  thành công hệ thống giám sát hải quan tự động đối với hàng hoá tại cảng. Điều này được các hãng tàu, các nhà xuất nhập khẩu, các đối tác đánh giá cao và mang lại thuận lợi rất lớn để tăng sản lượng hàng về CM-TV. Đến nay, CMIT đã triển khai thành công hoá đơn điện tử 100% (e-invoice) nhằm tăng cường tính tự động hoá, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

(Còn nữa)

;
.